Công ty tôi chỉ sử dụng 8 người lao động, công ty tôi có bắt buộc phải có nội quy lao động không? Có mẫu nội quy lao động nào không? – Trúc Mai (Kiên Giang).
>> Đồng thời áp dụng xử lý kỷ luật cách chức và kéo dài thời hạn nâng lương có được không?
>> Có bắt buộc phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp khi công ty cho khám sức khỏe?
Nội quy lao động là văn bản quy định về các quy tắc xử sự mà người lao động có trách nhiệm bắt buộc phải tuân thủ khi tham gia quan hệ lao động do người sử dụng lao động ban hành. Bên cạnh đó, nội quy lao động cũng quy định về các hành vi kỷ luật lao động, cách thức xử lý và trách nhiệm vật chất.
Theo khoản 1 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
Do đó, công ty bắt buộc phải có nội quy lao động. Riêng đối với công ty có từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải được thể hiện bằng hình thức văn bản.
Về mặt ý nghĩa, nội quy lao động không chỉ cần thiết cho đơn vị sử dụng lao động mà còn có ý nghĩa thiết thực với chính bản thân người lao động. Khi biết rõ nhiệm vụ của mình và cả những chế tài dự liệu, người lao động sẽ hạn chế được những vi phạm, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Nội quy lao động đối với công ty dưới 10 người lao động (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Lưu ý: Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
>> Tham khảo: Mẫu nội quy lao động.
Bên cạnh đó, theo Điều 120 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm:
(1) Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
(2) Nội quy lao động;
(3) Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
(4) Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).
Công ty có hành vi vi phạm về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất thì có thể bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP đối với các hành vi sau:
- Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;
- Không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật;
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động;
- Sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;
- Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự; thủ tục; thời hiệu theo quy định của pháp luật;
- Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;
- Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.
>> Xem thêm công việc:
>> Xây dựng và đăng ký Nội quy lao động
>> Xây dựng và thông báo định mức lao động