Nhân viên tổ chức tín dụng làm lộ thông tin khách hàng có phải bồi thường thiệt hại? Tổ chức tín dụng phải giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng theo những nguyên tắc nào?
>> Tổ chức tín dụng tiết lộ những thông tin nào của khách hàng sẽ bị xem là vi phạm pháp luật?
>> Làm lộ thông tin khách hàng có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp nhân viên tổ chức tín dụng là người làm lộ thông tin tài khoản của khách hàng thì tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm bồi thiệt hại cho khách hàng bị lộ thông tin tài khoản nếu việc lộ thông tin đó gây thiệt hại cho khách hàng và khách hàng có yêu cầu bồi thường.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng khi đã bồi thường thiệt hại cho khách hàng có thể yêu cầu nhân viên đã làm lộ thông tin phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật và quy chế nội bộ của tổ chức tín dụng đó.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Giải đáp câu hỏi: Nhân viên tổ chức tín dụng làm lộ thông tin khách hàng có phải bồi thường thiệt hại cho khách (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 4 Nghị định 117/2018/NĐ-CP, tổ chức tín dụng giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng theo nguyên tắc sau đây:
- Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Nghị định 117/2018/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ tổ chức tín dụng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đối với thông tin khách hàng, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, việc giao nhận thông tin khách hàng.
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 117/2018/NĐ-CP, văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng do cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định 117/2018/NĐ-CP ký và có nội dung sau đây:
- Căn cứ pháp lý cụ thể quy định thẩm quyền được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.
- Lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trong đó nêu rõ mối liên quan của khách hàng với mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.
- Nội dung, phạm vi thông tin khách hàng, thời hạn cung cấp.
- Hình thức yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng; hình thức văn bản cung cấp thông tin (bản sao, bản in, bản mềm và các hình thức khác theo quy định của pháp luật).
- Họ và tên; số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu; địa chỉ, số điện thoại của người đại diện nhận thông tin khách hàng đối với trường hợp cung cấp thông tin theo phương thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.
- Nội dung yêu cầu khác (nếu có).