Những ngày qua, công ty luôn bắt nhân viên làm tăng ca; nếu người lao động không đồng ý thì có bị công ty đuổi việc hay không? – An Nghị (Kiên Giang).
>> Từ chối tham gia team building có bị công ty sa thải không?
>> Nhân viên có được nghỉ ngang khi công ty liên tục chậm trả lương?
Tôi làm việc tại một công ty làm nước mắm ở Kiên Giang, những ngày qua cá về nhiều nên toàn thể nhân viên phải tăng ca để kịp tiến độ công việc. Tuy nhiên, sức khỏe tôi không được tốt nên có xin phép công ty không làm tăng ca; song về phía công ty trả lời “ai không chịu làm tăng ca trong thời gian này sẽ bị cho nghỉ việc”. Công ty làm việc như vậy có đúng pháp luật hay không?
Điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động muốn sử dụng lao động làm thêm giờ (tăng ca) phải được sự đồng ý của người lao động.
Khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định các nội dung phải được người lao động đồng ý khi tham gia làm thêm giờ trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
- Thời gian làm thêm.
- Địa điểm làm thêm.
- Công việc làm thêm.
Người sử dụng lao động chỉ được phép yêu cầu người lao động tăng ca không cần có sự đồng ý của người lao động trong trường hợp quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể bao gồm:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Việc yêu cầu toàn thể nhân viên tăng ca không thuộc trường hợp đặc biệt nên phải được sự đồng ý của người lao động.
Như vậy, việc công ty yêu cầu nhân viên phải tăng ca, làm thêm giờ trong trường hợp cá về nhiều là không đúng quy định của pháp luật về lao động. Bạn từ chối làm thêm giờ trong trường hợp này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
Nhân viên không đồng ý tăng ca, công ty có được quyền đuổi việc? (Ảnh minh họa – Nguồn từ internet)
Căn cứ Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, nhân viên không đồng ý tăng ca không thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn thì công ty không có quyền cho nghỉ việc khi bạn không đồng ý tăng ca. Và nếu công ty cố tình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì đây là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Bạn có thể đến trao đổi với công ty, đề cập với người sử dụng lao động về vấn các đề làm thêm giờ để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình. Nếu bạn đã có ý kiến với công ty nhưng công ty vẫn yêu cầu bạn tăng ca hoặc buộc nghỉ việc thì bạn nên nhờ công đoàn hỗ trợ; trong trường hợp vẫn không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của bạn thì bạn cần thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật.
(i) Trong trường hợp công ty yêu cầu bạn làm thêm giờ nhưng không có sự đồng ý bạn thì sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
(ii) Công ty chấm dứt hợp đồng lao động khi nhân viên không đồng ý tăng ca. Trong trường hợp này, công ty đã vi phạm quy định của pháp luật về chấm dứt hợp đồng lao động và phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định sau đây:
Theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, trách nhiệm pháp lý mà công ty phải gánh chịu khi chấm dứt hợp đồng trái luật bao gồm:
- Nhận người lao động trở lại làm việc.
- Trả trợ cấp thôi việc trong trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc.
- Bồi thường cho người lao động trong trường hợp công ty không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý.
Ngoài ra, nếu công ty không trả hoặc không trả đủ tiền cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động: từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng.
- Vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động: từ 04 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
- Vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động: từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
- Vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động: từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
- Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.