Ai có thể làm người đại diện theo pháp luật của ngân hàng thương mại? Khi thay đổi người đại diện theo pháp luật thì có phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước?
>> Giám đốc ngân hàng điều trị bệnh 12 tháng liên tục, sau bao lâu bị bãi nhiệm?
>> Thông tin phòng đăng ký kinh doanh Sóc Trăng ở đâu?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng và phải là một trong những người sau đây:
(i) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.
(ii) Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.
Lưu ý: Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng phải cư trú tại Việt Nam, trường hợp vắng mặt ở Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng.
Theo đó, người đại diện của ngân hàng thương mại phải được quy định tại Điều lệ của ngân hàng và là một trong các chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc).
Căn cứ khoản 3 Điều 11 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tổ chức tín dụng phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bầu, bổ nhiệm chức danh đảm nhiệm người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước thông báo người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo đó, ngân hàng thương mại thay đổi người đại diện theo pháp luật phải thông báo Ngân hàng Nhà nước.
File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
Ngân hàng thương mại thay đổi người đại diện theo pháp luật phải thông báo Ngân hàng Nhà nước
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 37 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng thương mại khi thay đổi các thông tin sau đây phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận:
(i) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng; tên, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(ii) Mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp, trừ trường hợp thay đổi địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; việc thay đổi mức vốn điều lệ, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
(iii) Địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng.
(iv) Nội dung, thời hạn hoạt động.
(v) Mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu; mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn. Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông, người mua, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục xin chấp thuận đối với nội dung quy định tại khoản này.
Lưu ý: Trường hợp mua, bán, nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng phần vốn góp của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn, bên mua, nhận chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện đối với chủ sở hữu, thành viên góp vốn quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 29 và khoản 2 Điều 78 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, thành viên góp vốn phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
(vi) Tạm ngừng giao dịch từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng giao dịch do sự kiện bất khả kháng.
(vii) Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
>>Xem chi tiết các thủ tục thay đổi các nội dung trên của ngân hàng thương mại Quyết định 1374a/QĐ-NHNN năm 2024.