Công ty có bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động không và nếu có thì phải tổ chức định kỳ mấy lần một năm? – Dương Anh (Cần Thơ).
>> 05 nhầm lẫn thường gặp về tiền lương, nghỉ việc trước hạn năm 2023
>> Việc kiểm soát các yếu tố có hại tại nơi làm việc năm 2023 được quy định thế nào?
Tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
“Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động;...”
Từ quy định trên có thể thấy, công ty bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động ít nhất một lần mỗi năm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, công ty còn phải đảm bảo việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động:
- Trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn.
- Hoặc, sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Năm 2023, có bắt buộc công ty phải khám sức khỏe cho người lao động không? (Ảnh minh họa)
Căn cứ khoản 1, 2 và 5 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về một số trường hợp đặc biệt trong việc khám sức khỏe cho người lao động như sau:
- Công ty tổ chức khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần đối với:
+ Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Xem chi tiết tại: Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).
+ Người lao động là người khuyết tật.
+ Người lao động chưa thành niên: là người chưa đủ 18 tuổi (khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2015).
+ Người lao động cao tuổi: là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu (khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019) – Tra cứu độ tuổi nghỉ hưu TẠI ĐÂY.
- Đối với lao động nữ: khi khám sức khỏe phải được khám chuyên khoa phụ sản.
- Đối với người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp: phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Trong trường hợp người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, công ty phải đưa người lao động đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Lưu ý: Công ty chỉ được tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật (căn cứ khoản 4 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).
Theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, chi phí cho hoạt động khám sức khỏe năm 2023 cho người lao động do công ty chi trả được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với:
- Chi phí khám sức khỏe cho người lao động nêu tại Mục 1 bên trên.
- Chi phí khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho lao động nữ; lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động là người khuyết tật; lao động chưa thành niên và lao động cao tuổi nêu tại Mục 2 nêu bên trên.
>> Xem thêm tại các công việc pháp lý liên quan sau:
>> Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động