Một cá nhân có thể làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị liên tục tối đa trong bao lâu? Thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải đáp ứng điều kiện như thế nào?
>> Uỷ nhiệm thu là gì? Hoạt động kiểm soát ủy nhiệm thu tại ngân hàng gồm các bước như thế nào?
>> Nguyên vật liệu dư thừa trong hợp đồng gia công cho nước ngoài có được đem bán hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 154 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về thành viên Hội đồng quản trị như sau:
Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị
1. Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.
2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.
…
Theo quy định trên, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị là không quá 05 năm, thành viên độc lập Hội đồng quản trị thì chỉ được bầu không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.
Do đó, một người có thể làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị liên tục tối đa 10 năm.
Toàn văn Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn |
Làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị liên tục tối đa bao lâu
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
(i) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty.
(ii) Không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
(iii) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định.
(iv) Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty.
(v) Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
(vi) Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 163 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của thành viên Hội đồng quản trị như sau:
(i) Thành viên Hội đồng quản trị được hưởng thù lao công việc và thưởng.
(ii) Thù lao công việc được tính theo số ngày công cần thiết hoàn thành nhiệm vụ của thành viên Hội đồng quản trị và mức thù lao mỗi ngày.
(iii) Hội đồng quản trị dự tính mức thù lao cho từng thành viên theo nguyên tắc nhất trí. Tổng mức thù lao và thưởng của Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông quyết định tại cuộc họp thường niên.
(iv) Thành viên Hội đồng quản trị được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại và chi phí hợp lý khác khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Lưu ý: Thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.