Mã số thuế 13 số và mã số thuế 10 số khác nhau như thế nào? Khi nào được cấp mã số thuế 13 số? Khi nào được cấp mã số thuế 10 số?
>> Ưu đãi thuế TNDN với dự án đầu tư mới năm 2024, được quy định như thế nào?
>> Báo cáo tài chính năm 2024 gồm những nội dung gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019, mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC, mã số thuế có cấu trúc nhau sau:
N1N2N3N4N5N6N7N8N9 N10 - N11N12N13
Trong đó:
- Hai chữ số đầu N1N2 là số phân khoảng của mã số thuế.
- Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.
- Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.
- Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.
- Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối
Ngoài ra, quy tắc cấp mã số thuế được nêu rõ tại khoản 3 điều 30 Luật quản lý thuế 2019, cụ thể như sau:
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác: Được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Người nộp thuế có chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế thì được cấp mã số thuế phụ thuộc. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì mã số ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế.
- Đối với cá nhân: Được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;
Như vậy, có thể hiểu mỗi doanh nghiệp hoặc cá nhân nộp thuế sẽ được cơ quan quản lý thuế cấp một mã số thuế. Thông qua đó, cơ quan quản lý thuế có thể dễ dàng xác định chính xác và quản lý từng đối tượng nộp thuế. Đồng thời, người nộp thuế còn có thể tra cứu doanh nghiệp qua mã số thuế một cách nhanh chóng.
![]() |
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 20/12/2022) |
Cấu trúc mã số thuế (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Mã số thuế được chia ra thành 02 loại, bao gồm: Mã số thuế 10 số và mã số thuế 13 số.
Căn cứ vào điểm a khoản 3 điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC, mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác
Căn cứ vào điểm b khoản 3 điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC, mã số thuế 13 chữ số và dấu gạch ngang (-) dùng để phân tách giữa 10 số đầu và 3 số cuối được sử dụng cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác.
Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp là đối tượng được cấp mã số thuế 13 chữ số. Theo Điều 44 Luật doanh nghiệp 2020 nêu rõ đơn vị phụ thuộc như sau:
- Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
- Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp.