Thị trường chứng khoán thứ cấp là gì? Chức năng của thị trường chứng khoán thứ cấp? Trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu hiện nay được quy định thế nào?
>> Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi hiện nay là gì?
Thị trường chứng khoán thứ cấp là thị trường giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường chứng khoán sơ cấp.
Thị trường chứng khoán thứ cấp đảm bảo tính thanh khoản cho các cổ phiếu đã phát hành. Đây là nơi giao dịch giữa các chứng khoán đã phát hành.
Thị trường thứ cấp có các chức năng sau:
(i) Tạo ra tính thanh khoản cho các chứng khoán
Tính thanh khoản là khả năng của tài sản có thể được bán một cách dễ dàng và nhanh chóng với giá trị không bị giảm sút đáng kể.
Thị trường thứ cấp giúp tạo ra tính thanh khoản cho các chứng khoán bằng cách cung cấp cho các nhà đầu tư một nơi để mua hoặc bán các chứng khoán một cách dễ dàng. Tính thanh khoản cao giúp các nhà đầu tư dễ dàng chuyển đổi các khoản đầu tư của mình sang các tài sản khác.
(ii) Thúc đẩy đầu tư
Khi chứng khoán có thể dễ dàng giao dịch trên thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư có động lực mạnh mẽ hơn để tham gia thị trường. Khả năng mua bán thuận lợi giúp họ tự tin hơn trong việc rót vốn vào các doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
(iii) Điều tiết thị trường chứng khoán
Thị trường thứ cấp còn đóng vai trò hỗ trợ nhà nước trong việc điều tiết thị trường chứng khoán, đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Thông qua các cơ chế giám sát, quy định giao dịch và kiểm soát biến động giá, cơ quan quản lý có thể ngăn chặn các hành vi gian lận, thao túng thị trường, từ đó bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.
Lưu ý: Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo.
![]() |
Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Thị trường chứng khoán thứ cấp là gì? Chức năng của thị trường chứng khoán thứ cấp
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP), trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu bao gồm:
(i) Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.
(ii) Hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu; hiểu rõ và đảm bảo tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định.
(iii) Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
(iv) Trước khi mua trái phiếu (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp), nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã thực hiện các quy định tại các khoản nêu trên và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua trái phiếu của mình sau khi ký văn bản xác nhận này.
(v) Thực hiện giao dịch trái phiếu theo quy định; không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức.
(vi) Khi bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp phải cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định cho nhà đầu tư mua trái phiếu.