Người lao động làm việc sau tuổi nghỉ hưu có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc? Mức xử phạt khi công ty sử dụng người lao động cao tuổi làm các công việc độc hại, nguy hiểm?
>> Người lao động bị ung thư có được rút bảo hiểm xã hội một lần không?
>> Tôn giáo là gì? Phân biệt tôn giáo có phải là hành vi phân biệt đối xử trong lao động?
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ (theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019).
Như vậy, hiện nay năm 2024 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 56 tuổi 04 tháng.
Căn cứ khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, người hưởng lương hưu mà vẫn đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lưu ý: Trường hợp người lao động làm việc sau tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 thì vẫn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, làm việc sau tuổi nghỉ hưu nếu người lao động đáp ứng được các điều kiện hưởng lương hưu thì không phải đóng bảo hiểm xã hội.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người làm việc sau tuổi nghỉ hưu
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, quy định về việc sử dụng người lao động cao tuổi như sau:
(i) Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
(ii) Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
(iii) Công ty không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
(iv) Công ty có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với công ty về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian (theo khoản 2 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019).
Căn cứ khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm sử dụng người lao động cao tuổi, người khuyết tật.
Vi phạm quy định về người lao động cao tuổi, người khuyết tật
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Do đó, nếu sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà không bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Lưu ý: mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp doanh nghiệp thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/202/NĐ-CP).
Như vậy, nếu công ty sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà không bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.