Kiểm toán từ xa một phần là gì? Một số công cụ kiểm toán từ xa hiện nay bao gồm? Kiểm toán từ xa thường có những rủi ro gì?
>> Thẩm quyền quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá thuộc về cơ quan nào?
>> Kiểm toán từ xa là gì? Các dạng kiểm toán từ xa bao gồm?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Hướng dẫn kiểm toán từ xa ban hành kèm theo Quyết định 243/QĐ-KTNN, kiểm toán từ xa một phần được hiểu là việc sử dụng công nghệ hỗ trợ cho kiểm toán từ xa đối với một số nội dung công việc mà không phải tất cả công việc kiểm toán của cuộc kiểm toán; các nội dung khác không thực hiện được kiểm toán từ xa thì thực hiện kiểm toán trực tiếp tại đơn vị để đạt được mục tiêu của cuộc kiểm toán.
Kiểm toán từ xa một phần yêu cầu việc số hóa dữ liệu trước khi các tài liệu này được trao đổi giữa kiểm toán viên nhà nước, thành viên không phải kiểm toán viên nhà nước tham gia hoạt động kiểm toán (“KTVNN”) và đơn vị được kiểm toán.
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Hướng dẫn kiểm toán từ xa ban hành kèm theo Quyết định 243/QĐ-KTNN, thông thường KTVNN có thể sử dụng các công cụ sau đây để thực hiện các bước của quy trình kiểm toán từ xa:
(i) Các tài liệu an toàn trao đổi trên các nền tảng để giúp KTVNN và đơn vị được kiểm toán chia sẻ tài liệu và dữ liệu; những nền tảng này có thể bật chế độ hợp tác, kiểm soát phiên bản và kiểm soát truy cập (ví dụ: ShareFile, Box và Google Drive…).
(ii) Các công cụ phân tích dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu có thể được sử dụng để nhận diện xu thế và sự bất thường đồng thời tạo ra bảng điều khiển tương tác để hiểu rõ hơn và trao đổi các phát hiện kiểm toán (ví dụ: Các phần mềm Mircrosoft Power BI, Tableau và IBM Cognos Analytics...).
(iii) Công cụ đánh giá rủi ro và lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) có thể giúp KTVNN đánh giá rủi ro, ưu tiên các vùng kiểm toán và lập KHKT dựa trên rủi ro và các ưu tiên đã xác định (ví dụ: Các phần mềm ACL, GRC, Galvanize HighBond và IDEA…).
(iv) Công cụ quản lý kiểm toán và quy trình làm việc (ví dụ: TeamMate+, AuditBoard...) có thể giúp quản lý toàn bộ quy trình kiểm toán, từ lập kế hoạch đến lập báo cáo kiểm toán (BCKT). Các công cụ này có thể cung cấp kho dữ liệu trung tâm về hồ sơ kiểm toán, tài liệu làm việc và các phát hiện kiểm toán, tạo điều kiện cho việc phối hợp và trao đổi thông tin giữa các thành viên trong Đoàn kiểm toán.
(v) Nền tảng họp video cho phép KTVNN thực hiện các cuộc phỏng vấn, các cuộc họp và các trao đổi, thảo luận từ xa với đơn vị được kiểm toán và các bên liên quan; duy trì sự trao đổi hiệu quả trong suốt quá trình kiểm toán (ví dụ: Zoom, Microsoft Team và Cisco Webex Meeting và các công cụ ghi âm, ghi hình…).
(vi) Các công cụ chia sẻ màn hình và màn hình nền từ xa có thể giúp KTVNN truy cập và đánh giá hệ thống và các ứng dụng CNTT của đơn vị được kiểm toán; đánh giá hệ thống kiểm soát, an ninh nội bộ và tính toàn vẹn của dữ liệu (ví dụ: TeamViewer, AnyDesk và Remote Desktop Connection…).
(vii) Các công cụ thu thập bằng chứng kiểm toán điện tử có thể giúp KTVNN thu thập và quản lý các chữ ký điện tử và duy trì bằng chứng kiểm toán một cách an toàn (ví dụ: Adobe Acrobat, DocuSign và Google Earth…).
(viii) Các công cụ nhắn tin và phối hợp an toàn có thể cung cấp sự an toàn và các phương tiện hiệu quả cho việc trao đổi thông tin và phối hợp giữa các thành viên của Đoàn kiểm toán (ví dụ: Slack, Microsoft Teams và WhatsApp…).
(ix) Các công cụ kiểm toán và kiểm soát thường xuyên giúp phân tích và kiểm soát các giao dịch nghiệp vụ kinh tế và các chỉ số hoạt động một cách thường xuyên liên tục theo thời gian thực cho phép KTVNN đưa ra các ý kiến phản hồi và kiến nghị kịp thời (ví dụ: Các phần mềm như ACL Analytics và Arbutus Analyzer…).
(x) Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể được sử dụng trong các giai đoạn của cuộc kiểm toán khi điều kiện cho phép nhằm hỗ trợ KTVNN trong việc phát hiện gian lận tài chính qua dữ liệu bất thường; xác minh tính xác thực của video, giọng nói; kiểm tra tính nhất quán của tài liệu và thư điện tử; phát hiện các mẫu dữ liệu bất thường trong giao dịch… (ví dụ: Máy học, học sâu, tự động hóa quy trình bằng robot, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, các phần mềm như: Forensic Accounting AI, Blockchain, Deepfake Detection AI, Natural Languge Processing, AI-driven anomaly detection…).
(xi) Các công cụ an toàn và hiệu quả khác.
![]() |
File word Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn đang còn hiệu lực |
Kiểm toán từ xa một phần là gì? Một số công cụ kiểm toán từ xa hiện nay bao gồm?
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Hướng dẫn kiểm toán từ xa ban hành kèm theo Quyết định 243/QĐ-KTNN, rủi ro đối với kiểm toán từ xa bao gồm:
(i) Tính xác thực của bằng chứng: Các vấn đề về bóp méo dữ liệu và tính không rõ ràng của dữ liệu có thể phát sinh trong môi trường từ xa; việc xác định danh tính của người dùng không trực tiếp gặp mặt có thể làm tăng nguy cơ thao túng thông tin hoặc thông tin giả mạo. Các tài liệu và video có thể bị điều chỉnh theo hướng tiêu cực và dẫn đến gian lận.
(ii) Vấn đề an ninh: Kiểm toán từ xa liên quan đến các hoạt động kiểm toán trực tuyến và trao đổi dữ liệu số hóa. Do đó, việc xem xét vấn đề an ninh đối với việc truy cập và lưu trữ dữ liệu là rất quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, KTVNN và đơn vị được kiểm toán cần chính thức hóa việc giao thức mạng và thống nhất cam kết đối với Tính bảo mật, Tính an ninh và Bảo vệ dữ liệu (CSDP).
(iii) Tầm nhìn hạn chế: Khi thực hiện cuộc kiểm toán từ xa, khả năng quan sát thực tế các hoạt động, quy trình và tài liệu của đơn vị được kiểm toán là rất hạn chế. Hạn chế này có thể dẫn đến các lỗi, sự không chính xác hay khả năng gian lận mà nếu thực hiện kiểm toán trực tiếp tại đơn vị có thể dễ dàng phát hiện được.
(iv) Các thách thức về truyền thông: Thông tin thu thập được thông qua sự tương tác giữa người với người thường phức tạp và có sự khác biệt về thái độ, mức độ biểu cảm…, tuy nhiên điều này không được thể hiện rõ ràng trong môi trường kiểm toán từ xa. Việc trao đổi hạn chế giữa KTVNN và đơn vị được kiểm toán có thể dẫn đến BCKT không đáng tin cậy, không chính xác hoặc không đầy đủ.
(v) Các vấn đề về công nghệ: Kiểm toán từ xa hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ bao gồm phần mềm họp video, nền tảng chia sẻ dữ liệu (đặc biệt dữ liệu có dung lượng lớn) và kết nối internet. Các vấn đề kỹ thuật có thể cản trở quá trình kiểm toán, dẫn đến sự chậm trễ hoặc thiếu chính xác của các phát hiện kiểm toán (ví dụ: Lỗi mạng, lỗi máy tính hoặc sự cố thiết bị).