Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam tối đa bao nhiêu ngày? Hiện nay, hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu nào?
>> Dư nợ là gì? Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi từ năm 2025 có gì khác?
Căn cứ khoản 1 Điều 29 Luật Thương mại 2005, tạm nhập tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
Căn cứ khoản 4 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất như sau:
- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
- Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 02 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.
Lưu ý: Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.
Như vậy, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
Trường hợp gia hạn thì mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 02 lần gia hạn cho mỗi lô tạm nhập, tái xuất.
Toàn văn File word Luật Thương mại và văn bản hướng dẫn mới nhất |
Quy định về thời gian hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 48 Luật Hải quan 2014, các loại hàng hóa được tạm nhập, tái xuất bao gồm:
(i) Phương tiện quay vòng để chứa hàng hóa.
(ii) Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định.
(iii) Máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, khuôn, mẫu theo các hợp đồng thuê, mượn để sản xuất, thi công.
(iv) Linh kiện, phụ tùng của chủ tàu nhập khẩu để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài.
(v) Hàng hóa tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
(vi) Hàng hóa khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, quy định cửa khẩu tạm nhập tái xuất:
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
- Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thực hiện như sau:
(i) Việc tái xuất chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước.
Các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới này được Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố đủ điều kiện tái xuất hàng hóa sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(ii) Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới căn cứ điều kiện cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quy định tại mục (i) và căn cứ năng lực bốc xếp, giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để ban hành Quy chế lựa chọn thương nhân được phép tái xuất hàng hóa tạm nhập, tái xuất có điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định 69/2018/NĐ-CP và hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo Giấy phép quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
(iii) Đối với hàng hóa không thuộc đối tượng quy định tại mục (ii), thương nhân được phép tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã được công bố đủ điều kiện tái xuất hàng hóa. Thủ tục tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan.
Như vậy, hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Hàng hóa tái xuất được tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.