Khi thuê giúp việc nhà, gia chủ có được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động không? Mức phạt đối với hành vi này là bao nhiêu? – Thu Hiền (Quảng Ninh).
>> Sử dụng dưới 10 người lao động, công ty có bắt buộc phải có nội quy lao động không?
>> Đồng thời áp dụng xử lý kỷ luật cách chức và kéo dài thời hạn nâng lương có được không?
Khi thuê tôi làm giúp việc cho gia đình, gia chủ có giữ lại thẻ căn cước công dân của tôi để làm tin, hẹn đến khi nào tôi không làm việc nữa hoặc có việc cần gấp thì sẽ trả lại. Việc làm này của gia chủ có phù hợp với quy định pháp luật không?
Hiện nay, giấy tờ tùy thân được sử dụng rất phổ biến, tuy nhiên chưa có văn bản pháp luật nào giải thích cụ thể khái niệm giấy tờ tùy thân. Thay vào đó, giấy tờ tùy thân thường “xuất hiện” trong một số quy định pháp luật như:
- Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP).
- Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. (khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014).
- Theo tinh thần của Nghị định 136/2007/NĐ-CP trước đây cũng quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân hay Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.
Ngoài ra, giấy tờ tùy thân cũng được đề cập trong thành phần hồ sơ của đương sự, cụ thể tại một số văn bản luật như Luật Công chứng (Điều 40), Bộ luật Lao động (Điều 17), Luật Xử phạt vi phạm hành chính (Điều 130). Tuy nhiên, tùy trường hợp mà giấy tờ tùy thân bao gồm các loại giấy tờ khác nhau.
Như vậy, có thể hiểu giấy tờ tùy thân là những giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Tuy nhiên, chỉ có Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, và Hộ chiếu là được xác định cụ thể là giấy tờ tùy thân.
Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động giúp việc nhà bị phạt bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động khi thuê người giúp việc gia đình như sau:
- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.
Thông thường, gia chủ mong muốn biết rõ danh tính của người lao động để đảm bảo tín nhiệm khi giao việc phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, việc giữ giấy tờ tùy thân của người lao động (đặc biệt đối với người giúp việc gia đình) là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Trong đó, giấy tờ tùy thân bao gồm Thẻ căn cước nhân dân, Chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu, là những giấy tờ cơ bản để thực hiện một số giao dịch như chuyển tiền tại ngân hàng, dự thi,…
Theo điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định nếu người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; Đồng thời cũng bị buộc phải trả lại giấy tờ tùy thân cho lao động là người giúp việc gia đình.
Lưu ý: Đối với người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt nêu trên được áp dụng gấp 02 lần theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
>> Xem thêm bài viết: Người giúp việc nhà có cần kí hợp đồng lao động không?