Công ty tôi là doanh nghiệp cơ khí, có một số công nhân trực tiếp tự nhiên mắc bệnh mù, bệnh về thần kinh không bình thường (tâm thần). Người lao động vẫn muốn làm nhưng thực tế người lao động không thể làm được và có nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động (tất cả những bệnh trên không phải phát sinh từ nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động). Hỏi: 1. Các trường hợp trên cần giải quyết thế nào? 2. Sức khỏe người lao động như thế nào thì không được bố trí việc làm? 3. Người sử dụng lao động có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được không?
>> Thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ và không nhận trợ cấp thôi việc
(Nguồn: Internet)
Chào anh,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ từ anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Với thông tin anh cung cấp, không rõ anh kết luận "tất cả những bệnh trên không phải phát sinh từ nghề nghiệp hoặc tai nạn LĐ" trên cơ sở nào?
Bởi lẽ, việc kết luận người lao động có bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động hay không phải căn cứ lần lượt vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, kết quả điều tra tai nạn lao động.
Trong tình huống công ty của anh hoạt động trong lĩnh vực cơ khí mà người lao động tự nhiên mắc bệnh mù, bệnh tâm thần như anh trình bày là có cơ sở xem xét bệnh nghề nghiệp theo Khoản 9 Điều 3 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
Vì vậy, trước hết, công ty anh phải tổ chức đưa người lao động đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 7, 8, 9 của Thông tư 28/2016/TT-BYT để được kết luận người lao động có mắc bệnh nghề nghiệp hay không. Công ty anh có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí cho việc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp này và sẽ được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ vào kết luận của cơ sở y tế có thẩm quyền mà công ty anh thực hiện tiếp các công việc tương ứng như sau:
Nếu sau khi được khám, cơ sở y tế kết luận người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì công ty anh phải tiếp tục thực hiện các trách nhiệm được tổng hợp tại công việc: Trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong đó, nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì công ty anh sẽ có trách nhiệm bồi thường cho người lao động.
Sau khi người lao động điều trị ổn định, công ty anh phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa nếu người lao động tiếp tục làm việc.
Công ty anh còn có trách nhiệm tổ chức khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Chương IV của Thông tư 28/2016/TT-BYT.
Ngoài ra, nếu người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp từ cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thì công ty anh phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, xem chi tiết tại công việc: Hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
Nếu sau khi được khám, cơ sở y tế kết luận người lao động không mắc bệnh nghề nghiệp, thì người lao động có quyền nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau. Công ty anh sẽ có trách nhiệm kiểm tra và nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau của người lao động cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, xem chi tiết tại công việc: Hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau.
Nếu người lao động vẫn muốn tiếp tục làm việc thì công ty anh phải chuyển họ làm công việc khác phù hợp.
Song, xét thực tế như anh trình bày, công ty khó mà chuyển người lao động làm một công việc khác phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ.
Tuy nhiên, anh vui lòng lưu ý, trong trường hợp này, công ty anh không có đủ cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động năm 2012, trừ trường hợp họ bị ốm đau đã điều trị với thời gian tối thiểu như sau mà khả năng lao động vẫn chưa hồi phục:
- 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- 06 tháng liên tục đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Như vậy, trong trường hợp công ty anh không sắp xếp được công việc phù hợp cho người lao động này thì chỉ có thể thỏa thuận với họ để chấm dứt hợp đồng lao động và bảo đảm các trách nhiệm tài chính có liên quan, xem chi tiết tại công việc: Chấm dứt hợp đồng lao động theo thoả thuận của các bên.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe.