Người lao động muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người sử dụng lao động nên đã thỏa thuận với NSDLĐ là không cần NSDLĐ trả trợ cấp thôi việc. Việc thỏa thuận như vậy có đảm bảo quy định pháp luật không?
>> Sử dụng lao động dưới 18 tuổi
Chào anh,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ của anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:
"Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.[...]"
Theo thông tin mình cung cấp, trường hợp của mình là NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, do đó, người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thôi việc khi thuộc các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ được quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012. Ngược lại, nếu NLĐ chấm dứt HĐLĐ mà không thuộc các trường hợp được nêu tại Điều 37 thì NSDLĐ không phải chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ.
Trong trường hợp NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ mà NLĐ không muốn nhận thì việc này không trái với quy định của pháp luật đã nêu. Tuy nhiên, trong trường hợp này để tránh những tranh chấp phát sinh về sau thì các bên nên lập một thoả thuận về việc NLĐ tự nguyện không muốn nhận trợ cấp thôi việc từ NSDLĐ.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe.