Công ty hợp danh không đảm bảo 02 thành viên là chủ sở hữu thì bị phạt bao nhiêu? Thành viên hợp danh bị hạn chế quyền như thế nào? Thành viên hợp danh có những quyền gì?
>> Người lao động chậm nộp quyết toán thuế TNCN thì bị phạt bao nhiêu tiền?
>> Hành vi tranh giành hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa bị phạt thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, quy định về vi phạm của công ty hợp danh như sau:
Vi phạm về công ty hợp danh
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty;
b) Thành viên hợp danh đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc là thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại);
c) Thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn không nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.
Như vậy, công ty hợp danh không đảm bảo 02 thành viên là chủ sở hữu thì sẽ bị phạt từ 30 – 50 triệu đồng.
Ngoài ra, buộc bổ sung đủ thành viên hợp danh theo quy định (khoản 2 Điều 55 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).
Toàn văn Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn |
Công ty hợp danh không đảm bảo 02 thành viên là chủ sở hữu thì bị phạt bao nhiêu
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020, hạn chế quyền của thành viên hợp danh như sau:
(i) Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
(ii) Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
(iii) Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Căn cứ khoản 1 Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh có những quyền sau:
(i) Quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty.
Lưu ý: Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty;
(ii) Quyền nhân danh công ty kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty.
(iii) Quyền sử dụng tài sản của công ty để kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty.
Đối với trường hợp ứng trước tiền của mình để kinh doanh cho công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước.
(iv) Quyền yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong phạm vi nhiệm vụ được phân công nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân.
(v) Quyền yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và tài liệu khác của công ty khi thấy cần thiết.
(vi) Quyền được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty.
(vii) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác.
(viii) Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ và nghĩa vụ tài sản khác thuộc trách nhiệm của thành viên đó.
Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.
(ix) Quyền khác theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.