Pháp luật quy định như thế nào về việc công ty bắt buộc người lao động đóng Quỹ Phòng chống thiên tai? Công ty được bắt buộc người lao động đóng Quỹ Phòng chống thiên tai không?
>> Người lao động khám nghĩa vụ quân sự rớt thì năm sau có phải khám lại?
>> Tết trung thu năm 2024, người lao động có được nghỉ làm?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 7 Điều 1 Luật số 60/2020/QH14) thì Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bao gồm Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
Trong đó, nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định như sau:
(i) Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương bao gồm:
- Hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác.
(ii) Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm:
- Hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng chống, thiên tai trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động bắt buộc phải đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.
Đồng thời căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, công ty có trách nhiệm cung cấp đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp quỹ của các cá nhân do mình quản lý và nộp Quỹ cấp tỉnh theo định mức được quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP chuyển vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.
Như vậy, công ty chỉ đóng vai trò là người thu hộ số số tiền đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai từ người lao động. Việc đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai là nghĩa vụ của người lao động đối với nhà nước theo quy định của pháp luật.
File Excel tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và tiền thưởng 2024 |
File Excel tính số tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2024 |
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Công ty có được bắt buộc người lao động đóng Quỹ Phòng chống thiên tai
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp được quy định như sau:
Mức đóng góp hàng năm = ½ (Mức lương tối thiểu vùng / Số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động)
Lưu ý: Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
(Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP)
Căn cứ khoản 2 Điều 6 và Điều 17 Nghị định 03/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai tùy thuộc vào số tiền không đóng vào Quỹ. Cụ thể như sau:
Mức xử phạt |
Số tiền không đóng vào Quỹ phòng, chống thiên tai |
300.000 - 500.000 |
Dưới 300.000 |
500.000 - 1 triệu |
300.000 - dưới 500.000 |
1 triệu - 3 triệu |
500.000 - dưới 3 triệu |
3 triệu - 5 triệu |
3 triệu - dưới 5 triệu |
5 triệu - 8 triệu |
5 triệu - dưới 10 triệu |
8 triệu - 12 triệu |
10 triệu - dưới 20 triệu |
12 triệu - 20 triệu |
20 triệu - dưới 40 triệu |
20 triệu - 30 triệu |
40 triệu - dưới 60 triệu |
30 triệu - 40 triệu |
60 triệu - dưới 80 triệu |
40 triệu - 50 triệu |
80 triệu – 100 triệu |
Lưu ý: Mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm, mức xử phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt nêu trên.
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nêu trên, cá nhân tổ chức có hành vi không đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tái bắt buộc còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đóng Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định.