Trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc, công ty có được quyền không trả lương cho người lao động hay không? – Lý Hải (Hà Giang).
>> Không thông báo nội quy lao động cho người lao động thuê lại, có bị phạt?
>> Đang trong thời gian bị tạm giam, công ty có được xử lý kỷ luật lao động không?
Căn cứ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, tiền lương trong thời gian nghỉ do đình chỉ công việc được xác định như sau:
- Sau khi điều tra, xác minh vi phạm mà người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động: Công ty phải trả đủ tiền lương cho thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc
- Sau khi điều tra, xác minh vi phạm mà người lao động bị xử lý kỷ luật lao động: Công ty không có trách nhiệm phải trả lương cho thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc. Tuy nhiên, nếu người lao động đã tạm ứng tiền lương (tối đa bằng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc) thì không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
Như vậy, trường hợp sau khi điều tra, xác minh vi phạm mà người lao động bị xử lý kỷ luật thì công ty có quyền không trả lương cho người lao động trong thời gian tạm đình chỉ công việc.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Công ty có được quyền không trả lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty có hành vi không trả lương cho thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc nhưng không bị xử lý kỷ luật thì có thể bị phạt hành chính theo các mức sau:
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, công ty thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (căn cứ điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Căn cứ Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
- Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
+ Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
+ Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
+ Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
+ Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
- Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
+ Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
+ Đang bị tạm giữ, tạm giam;
+ Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019;
+ Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.