Công ty tôi chuyển người lao động làm công việc khác so với người lao động thì cần đảm bảo quyền lợi gì cho người lao động? Mong được giải đáp! – Thúy Hân (Đồng Nai).
>> Không nhận người lao động làm việc sau khi tạm hoãn hợp đồng 2024, công ty có bị phạt?
>> Doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ 2024 có phải thông báo cho cơ quan nhà nước?
Căn cứ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, công ty khi chuyển người lao động làm công việc khác thì cần đảm bảo các quyền lợi sau đây cho người lao động:
- Phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc.
- Phải thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
- Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc tại Mục 3 bài viết này.
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Công ty chuyển người lao động làm công việc khác cần đảm bảo quyền lợi gì cho họ (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 07 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.
- Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp đối với hành vi vi phạm của tổ chức thì mức xử phạt gấp 02 so với cá nhân. Do đó, trường hợp công ty chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng lao động trái quy định sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 06 triệu đồng đến 14 triệu đồng.
Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (điểm c khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Theo đó, trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
(i) Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
(ii) Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
(iii) Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
(Căn cứ Điều 99 Bộ luật Lao động 2019)