Cổ đông cá nhân được góp tối đa bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ doanh nghiệp bảo hiểm? Điều kiện chung để cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm là gì?
>> Từ 01/7/2025 bị tai nạn trên đường đi làm có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
>> BHYT có chi trả chi phí khám chữa bệnh ở bệnh viện tư nhân không?
Căn cứ khoản 2 Điều 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, quy định điều kiện về cơ cấu cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần như sau:
Điều kiện về cơ cấu cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần
Việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần phải đáp ứng điều kiện chung quy định tại Điều 64 của Luật này và các điều kiện sau đây:
1. Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức và mỗi cổ đông đó đáp ứng điều kiện sau đây:
a) Phải góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;
b) Điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật này;
2. Một cổ đông cá nhân không được góp vượt quá 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Như vậy, cổ đông cá nhân được góp tối đa 10% vốn điều lệ doanh nghiệp bảo hiểm.
![]() |
Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
Cổ đông cá nhân được góp tối đa bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ doanh nghiệp bảo hiểm?
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, điều kiện chung để cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm như sau:
(i) Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:
- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định.
- Doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
(ii) Điều kiện về vốn:
- Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
- Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
(iii) Điều kiện về nhân sự:
- Có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
(iv) Hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Căn cứ khoản 1 Điều 70 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.