Hành nghề luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư là một trong hai hình thức hành nghề của luật sư của nước ta hiện nay. Đối với việc hành nghè luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư; làm việc theo hợp đồng lao động tổ chức hành nghề luật sư. Vậy, thủ tục thành lập tổ chức hành nghề luật sư được quy định như thế nào?
>> Doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh trong bao lâu?
>> Điều kiện thành lập, quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư
Nguồn: Internet
1. Hồ sơ đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật luật sư 2006, hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư gồm có:
- Giấy đề nghị đăng ký hoạt động;
- Dự thảo Điều lệ của công ty luật;
- Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật;
- Giấy tờ chứng minh về trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư.
Trong đó:
Theo quy định tại Nghị định 123/2013/NĐ-CP, Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư gồm những nội dung chính sau đây:
- Tên văn phòng luật sư, công ty luật;
- Địa chỉ trụ sở;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú của luật sư Trưởng văn phòng luật sư hoặc luật sư chủ sở hữu (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc các luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);
- Họ, tên, số và ngày cấp Thẻ luật sư của người đại diện theo pháp luật;
- Lĩnh vực hành nghề.
Điều lệ công ty luật gồm những nội dung chính sau đây:
- Tên, địa chỉ trụ sở;
- Loại hình công ty luật;
- Lĩnh vực hành nghề;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú của luật sư chủ sở hữu (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc các luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);
- Quyền và nghĩa vụ của luật sư chủ sở hữu hoặc các luật sư thành viên;
- Điều kiện và thủ tục tham gia hoặc rút tên khỏi danh sách luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);
- Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành;
- Thể thức thông qua quyết định, nghị quyết; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
- Nguyên tắc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm của các luật sư thành viên đối với nghĩa vụ của công ty (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);
- Các trường hợp tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thủ tục thanh lý tài sản;
- Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty luật. Điều lệ công ty luật phải có chữ ký của luật sư chủ sở hữu hoặc của tất cả luật sư thành viên.
2. Thủ tục đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư
Bước 1: Tổ chức hành nghề luật sư điền thông tin theo mẫu Giấy đề nghị đăng ký hoạt động, chuẩn bị hồ sơ và nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính (bộ phận một cửa) – Sở Tư pháp.
Bước 2: Cán bộ một cửa tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định pháp luật: tiếp nhận; ghi phiếu hẹn trả kết quả; vào sổ tiếp nhận
- Trường hợp hồ sơ còn thiếu, chưa đúng thì hướng dẫn tổ chức hoàn thiện hồ sơ, bổ sung
- Trường hợp hồ sơ không thuộc thẩm quyền của đơn vị thì hướng dẫn tổ chức tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định
Bước 3: Bộ phận một cửa chuyển hồ sơ tới phòng Quản lý hành nghề Luật sư xử lý theo đúng quy định.
Bước 4: Phòng Quản lý các tổ chức hành nghề Luật sư tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và tiến hành giải quyết theo quy định.
Trong quá trình giải quyết nếu thấy hồ sơ cần bổ sung hoặc tiến hành xác minh làm rõ thì thông tin kịp thời cho Bộ phận một cửa để thông báo tới tổ chức có yêu cầu được biết.
Bước 5: Phòng Quản lý hành nghề Luật sư trả kết quả cho tổ chức có yêu cầu theo phiếu hẹn trả kết quả.
Nơi nộp hồ sơ:
- Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên
- Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.
Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
3. Công bố nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thực hiện công bố nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật luật sư, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động hoặc báo chuyên ngành luật trong ba số liên tiếp về những nội dung chính sau đây:
- Tên tổ chức hành nghề luật sư;
- Địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch;
- Lĩnh vực hành nghề;
- Họ, tên, địa chỉ, số Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư là Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật và các thành viên sáng lập khác;
- Số Giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động.
- Bên cạnh đó, trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải công bố những nội dung thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức như trên.
Căn cứ pháp lý: