Trong năm 2023, quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu được thực hiện như thế nào? – Khả Ái (Vĩnh Long).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 05/06/2023
>> Điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu năm 2023
Căn cứ Điều 14 Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP, (sửa đổi, bổ sung bởi Điều 33 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017) về việc ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu năm 2023 được thực hiện như sau:
Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.
Đồng thời tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về nội dung này như sau:
- Theo khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 6 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, ưu đãi đối với đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước được quy định như sau: Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, việc ưu đãi đối với hàng hóa trong nước thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
- Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, ưu đãi đối với hàng hóa trong nước được thực hiện như sau: Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu năm 2023 (Ảnh minh họa)
Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp được quy định như sau:
- Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh.
- Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp được quy định như sau:
- Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới.
- Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật.
- Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ.
Theo khoản 4 Điều 14 Luật Đấu thầu 2013 quy định cách tính ưu đãi trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để so sánh, xếp hạng hồ sơ sự thầu, hồ sơ đề xuất được một trong hai cách sau:
- Cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi.
- Cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi.
Theo Điều 3 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn (tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả).
- Trường hợp nhà thầu tham dự thầu thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
- Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn, hàng hóa, xây lắp) từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.