Trong năm 2024, quy định về rút lại giá đã trả khi đấu giá hàng hóa và từ chối mua hàng hóa được quy định như thế nào? Mong được giải đáp cụ thể! – Phương Nhi (Bình Bịnh).
>> Các đối tượng không được tham gia đấu giá hàng hóa 2024
>> Thủ tướng yêu cầu: Không để giá vàng miếng quá cao so với vàng thế giới
Quy định về rút lại giá đã trả khi đấu giá hàng hóa và từ chối mua hàng hóa trong năm 2024 được thực hiện theo Luật Thương mại 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật Quản lý ngoại thương 2017 (sau đây gọi gọn là Luật Thương mại 2005). Trong đó, có những nội dung đáng lưu ý sau đây:
Căn cứ Điều 204 Luật Thương mại 2005, việc rút lại giá đã trả khi đấu giá hàng hóa trong năm 2024 được quy định như sau:
(i) Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, nếu người trả giá cao nhất rút ngay lại giá đã trả thì cuộc đấu giá vẫn được tiếp tục từ giá của người trả giá liền kề trước đó. Trường hợp bán đấu giá theo phương thức đặt giá xuống, nếu người đầu tiên chấp nhận mức giá rút ngay lại giá đã chấp nhận thì cuộc đấu giá vẫn được tiếp tục từ giá đã đặt liền kề trước đó.
(ii) Người rút lại giá đã trả hoặc người rút lại việc chấp nhận giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.
(iii) Trường hợp giá bán hàng hoá thấp hơn giá mà người rút lại giá đã trả đối với phương thức trả giá lên hoặc giá mà người rút lại việc chấp nhận đối với phương thức đặt giá xuống thì người đó phải trả khoản tiền chênh lệch cho người tổ chức đấu giá, nếu hàng hoá bán được giá cao hơn thì người rút lại không được hưởng khoản tiền chênh lệch đó.
(iv) Trường hợp cuộc đấu giá không thành thì người rút lại giá đã trả phải chịu chi phí cho việc bán đấu giá và không được hoàn trả khoản tiền đặt trước.
Toàn văn File word Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 20/12/2022) |
Quy định về rút lại giá đã trả khi đấu giá hàng hóa 2024, từ chối mua hàng hóa (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 205 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp có thoả thuận khác, sau khi tuyên bố kết thúc cuộc đấu giá, người mua hàng bị ràng buộc trách nhiệm; nếu sau đó người mua hàng từ chối mua hàng thì phải được người bán hàng chấp thuận, nhưng phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá.
Bên cạnh đó, trường hợp người mua được hàng hoá đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước mà từ chối mua thì không được hoàn trả khoản tiền đặt trước đó. Khoản tiền đặt trước đó thuộc về người bán hàng.
Căn cứ Điều 203 Luật Thương mại 2005, văn bản bán đấu giá hàng hoá là văn bản xác nhận việc mua bán. Văn bản bán đấu giá hàng hoá phải có các nội dung sau đây:
(i) Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá.
(ii) Tên, địa chỉ của người điều hành đấu giá.
(iii) Tên, địa chỉ của người bán hàng.
(iv) Tên, địa chỉ của người mua hàng.
(v) Thời gian, địa điểm đấu giá.
(vi) Hàng hoá bán đấu giá.
(vii) Giá đã bán.
(viii) Tên, địa chỉ của hai người chứng kiến.
Ngoài ra, văn bản bán đấu giá hàng hoá phải được gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan.
Lưu ý: Trường hợp đấu giá không thành, trong văn bản bán đấu giá hàng hoá phải nêu rõ kết quả là đấu giá không thành và phải có các nội dung quy định tại các khoản (i), (ii), (iii), (v), (vi) và (viii) nêu trên.
Căn cứ Điều 206 Luật Thương mại 2005, việc đăng ký quyền sở hữu đối với hàng hoá đấu giá được quy định như sau:
(i) Văn bản bán đấu giá hàng hoá được dùng làm căn cứ để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hoá đấu giá mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu.
(ii) Căn cứ vào văn bản bán đấu giá hàng hoá và các giấy tờ hợp lệ khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng theo quy định của pháp luật.
(iii) Người bán hàng và người tổ chức đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng. Chi phí làm thủ tục chuyển quyền sở hữu được trừ vào tiền bán hàng hoá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.