PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục hướng dẫn quy định chung về báo cáo tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC qua bài viết sau đây:
>> Quy định chung về báo cáo tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 6)
>> Quy định chung về báo cáo tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 5)
Tại phần 06 của bài viết đã trình bày lập và trình bày Báo cáo tài chính khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục đối với trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo theo quy định tại khoản 5 Điều 106 Thông tư 200/2014/TT-BTC, sau đây là các trường hợp còn lại:
Phương pháp kế toán một số khoản mục tài sản khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục được quy định như sau:
- Việc trích lập dự phòng hoặc đánh giá tổn thất tài sản được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của tài sản, không thực hiện trích lập dự phòng trên Tài khoản 229 – “Dự phòng tổn thất tài sản”.
- Việc tính khấu hao hoặc ghi nhận tổn thất của tài sản cố định, Bất động sản đầu tư được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của tài sản, không sử dụng Tài khoản 214 để phản ánh hao mòn lũy kế.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Quy định chung về báo cáo tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 7) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
- Thực hiện trích trước vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh đối với các khoản lỗ dự kiến phát sinh trong tương lai nếu khả năng phát sinh khoản lỗ là tương đối chắc chắn và giá trị khoản lỗ được ước tính một cách đáng tin cậy; Ghi nhận nghĩa vụ hiện tại đối với các khoản phải trả kể cả trong trường hợp chưa có đầy đủ hồ sơ tài liệu (như biên bản nghiệm thu khối lượng của nhà thầu..) nhưng chắc chắn phải thanh toán.
- Đối với khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản luỹ kế thuộc phần vốn chủ sở hữu, sau khi xử lý tài sản cố định hữu hình, vô hình, bất động sản đầu tư, phần còn lại được kết chuyển vào thu nhập khác (nếu lãi) hoặc chi phí khác (nếu lỗ).
- Đối với khoản chênh lệch tỷ giá đang phản ánh luỹ kế trên Bảng cân đối kế toán (như chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc chuyển đổi báo cáo tài chính), doanh nghiệp kết chuyển toàn bộ vào doanh thu tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ).
- Các khoản chi phí trả trước chưa phân bổ hết như lợi thế thương mại phát sinh từ hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ cong ty mẹ-công ty con, lợi thế kinh doanh khi cổ phần hóa, công cụ dụng cụ xuất dùng, chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí trong giai đoạn triển khai… được ghi giảm toàn bộ để tính vào chi phí trong kỳ. Riêng chi phí trả trước liên quan đến việc thuê tài sản, trả trước lãi vay được tính toán và phân bổ để phù hợp với thời gian trả trước thực tế còn lại cho đến khi chính thức dừng hoạt động.
- Công ty mẹ dừng ghi nhận lợi thế thương mại trên Báo cáo tài chính hợp nhất, phần lợi thế thương mại chưa phân bổ hết được tính ngay vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Các khoản chênh lệch lãi, lỗ khi đánh giá lại tài sản và nợ phải trả sau khi bù trừ với số dự phòng đã trích lập (nếu có) được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác hoặc chi phí tài chính, chi phí khác tùy từng khoản mục cụ thể tương tự như việc ghi nhận của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục.
Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải thuyết minh chi tiết về khả năng tạo tiền và thanh toán nợ phải trả, vốn chủ sở hữu cho các cổ đông và giải thích lý do về sự không so sánh được giữa thông tin của kỳ báo cáo và thông tin kỳ so sánh, cụ thể:
- Số tiền có khả năng thu hồi từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản, thu hồi nợ phải thu.
- Khả năng thanh toán nợ phải trả theo thứ tự ưu tiên, như khả năng trả nợ ngân sách Nhà nước, trả nợ người lao động, trả nợ vay, nợ nhà cung cấp.
- Khả năng thanh toán cho chủ sở hữu, đối với công ty cổ phần cần công bố rõ khả năng mỗi cổ phiếu sẽ nhận được bao nhiều tiền.
- Thời gian tiến hành thanh toán các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
- Lý do không so sánh được thông tin kỳ báo cáo và kỳ so sánh: Do kỳ trước doanh nghiệp trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc của doanh nghiệp hoạt động liên tục; Kỳ báo cáo vì doanh nghiệp chuẩn bị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ghi rõ tên cơ quan, số quyết định) hoặc do Ban giám đốc có dự định theo văn bản (số, ngày, tháng, năm) nên trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc khác.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Quy định chung về báo cáo tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 8).