Pháp luật hiện hành quy định về phương pháp lập bảng cân đối tài khoản áp dụng trong doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào? – Đăng Anh (Quảng Ninh).
>> Hướng dẫn lập và ký chứng từ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023
>> Hướng dẫn tài khoản 229 (dự phòng tổn thất tài sản) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023 (Phần 3)
Theo quy định tại Điều 83 Thông tư 133/2016/TT-BTC nội dung và phương pháp lập Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số F01 - DNN) như sau:
Tại khoản 1 Điều 83 Thông tư 133/2016/TT-BTC quy định mục đích lập bảng cân đối tài khoản như sau:
Phản ánh tổng quát tình hình tăng giảm và hiện có về tài sản và nguồn vốn của đơn vị trong kỳ báo cáo và từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo. Số liệu trên Bảng cân đối tài khoản là căn cứ để kiểm tra việc ghi chép trên sổ kế toán tổng hợp, đồng thời đối chiếu và kiểm soát số liệu ghi trên Báo cáo tài chính.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Nội dung và phương pháp lập bảng cân đối tài khoản doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại quy định khoản 2 Điều 83 Thông tư 133/2016/TT-BTC, Bảng cân đối tài khoản được lập dựa trên Sổ Cái và Bảng cân đối tài khoản kỳ trước.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 83 Thông tư 133/2016/TT-BTC quy định phương pháp ghi sổ như sau:
(1) Trước khi lập Bảng cân đối tài khoản: phải hoàn thành việc ghi sổ kế toán chi tiết và sổ kế toán tổng hợp; kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa các sổ có liên quan.
(2) Ghi số liệu vào Bảng cân đối tài khoản:
Số liệu ghi vào Bảng cân đối tài khoản chia làm 2 loại:
- Loại số liệu phản ánh số dư các tài khoản tại thời điểm đầu kỳ (Cột 1,2 “Số dư đầu năm”), tại thời điểm cuối kỳ (cột 5, 6 “Số dư cuối năm”), trong đó các tài khoản có số dư Nợ được phản ánh vào cột “Nợ”, các tài khoản có số dư Có được phản ánh vào cột “Có”.
- Loại số liệu phản ánh số phát sinh của các tài khoản từ đầu kỳ đến ngày cuối kỳ báo cáo (cột 3, 4 “Số phát sinh trong tháng”) trong đó tổng số phát sinh “Nợ” của các tài khoản được phản ánh vào cột “Nợ”, tổng số phát sinh “Có” được phản ánh vào cột “Có”của từng tài khoản.
- Cột A, B: Số hiệu tài khoản, tên tài khoản của tất cả các Tài khoản cấp 1 mà đơn vị đang sử dụng và một số Tài khoản cấp 2 cần phân tích.
- Cột 1, 2 “Số dư đầu năm”: Phản ánh số dư ngày đầu tháng của tháng đầu năm (Số dư đầu năm báo cáo). Số liệu để ghi vào các cột này được căn cứ vào dòng Số dư đầu tháng của tháng đầu năm trên Sổ Cái hoặc căn cứ vào phần “Số dư cuối năm” của Bảng cân đối tài khoản năm trước.
- Cột 3, 4: Phản ánh tổng số phát sinh Nợ và tổng số phát sinh Có của các tài khoản trong năm báo cáo. Số liệu ghi vào phần này được căn cứ vào dòng “Cộng phát sinh lũy kế từ đầu năm” của từng tài khoản tương ứng trên Sổ Cái.
- Cột 5, 6 “Số dư cuối năm”: Phản ánh số dư ngày cuối cùng của năm báo cáo. Số liệu để ghi vào phần này được căn cứ vào số dư cuối tháng của tháng cuối năm báo cáo trên Sổ Cái hoặc được tính căn cứ vào các cột số dư đầu năm (cột 1, 2), số phát sinh trong năm (cột 3, 4) trên Bảng cân đối tài khoản năm này. Số liệu ở cột 5, 6 được dùng để lập Bảng cân đối tài khoản năm sau.
(3) Sau khi ghi đủ các số liệu:
Sau khi ghi đủ các số liệu có liên quan đến các tài khoản, phải thực hiện tổng cộng Bảng cân đối tài khoản. Số liệu trong Bảng cân đối tài khoản phải đảm bảo tính cân đối bắt buộc sau đây:
Tổng số dư Nợ (cột 1), Tổng số dư Có (cột 2), Tổng số phát sinh Nợ (cột 3), Tổng số phát sinh Có (cột 4), Tổng số dư Nợ (cột 5), Tổng số dư Có (cột 6).
Quý khách hàng xem thêm bài viết: Yêu cầu với thông tin trình bày trong báo cáo tài chính trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023 (TẠI ĐÂY).