Trong năm 2024, pháp luật quy định như thế nào về đại lý thương mại? Rất mong được giải đáp chi tiết về vấn đề này! – Trân trọng cảm ơn! – Nguyễn Thanh (Cần Thơ).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 27/12/2023
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 26/12/2023
Nội dung về đại lý thương mại trong năm 2024 được quy định tại Luật Thương mại 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật Quản lý ngoại thương 2017 (sau đây gọi gọn là Luật Thương mại 2005). Trong đó, có những nội dung đáng lưu ý cần biết sau đây:
Căn cứ Điều 166 Luật Thương mại 2005, đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Toàn văn File word Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 20/12/2022) |
Những điều cần biết về đại lý thương mại 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 167 Luật Thương mại 2005, bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Căn cứ Điều 168 Luật Thương mại 2005, hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Căn cứ Điều 169 Luật Thương mại 2005, các hình thức đại lý bao gồm:
(i) Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
(ii) Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
(iii) Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
(iv) Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Căn cứ Điều 170 Luật Thương mại 2005, bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý.
Căn cứ Điều 171 Luật Thương mại 2005, thù lao đại lý được quy định như sau:
(i) Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
(ii) Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.
(iii) Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.
(iv) Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:
- Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó.
- Trường hợp không áp dụng được “quy định mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó” thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác.
- Trường hợp không áp dụng được các nội dung nêu trên thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Căn cứ Điều 172 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây:
(i) Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng.
(ii) Ấn định giá giao đại lý.
(iii) Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật.
(iv) Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý.
(v) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.