Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH sang công ty cổ phần thì lập báo cáo tài chính như thế nào? – Thu Sương (Nghệ An).
>> Nguyên tắc lập, trình bày báo cáo tài chính khi thay đổi kỳ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023
>> Hướng dẫn tài khoản 112 (tiền gửi ngân hàng) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 3)
Theo quy định tại Điều 76 Thông tư 133/2016/TT-BTC, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển đổi hình thức sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phải tiến hành các công việc sau:
- Khóa sổ kế toán.
- Lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong kỳ kế toán đầu tiên sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ghi sổ kế toán và trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
(i) Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu:
Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp cũ được ghi nhận là số dư đầu kỳ trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới.
(ii) Đối với Báo cáo tình hình tài chính:
Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp cũ trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của doanh nghiệp mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.
(iii) Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”, cột “Kỳ trước” trình bày số liệu cột “Kỳ này” của Báo cáo kỳ trước liền kề. Doanh nghiệp phải trình bày trên thuyết minh báo cáo tài chính về lý do dẫn đến số liệu ở cột “kỳ trước” không có khả năng so sánh được với số liệu ở cột “kỳ này” (nếu có).
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Nguyên tắc lập, trình bày báo cáo tài chính khi chuyển đổi loại hình, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại Điều 77 Thông tư 133/2016/TT-BTC, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì phải thực hiện các công việc kế toán theo nguyên tắc sau:
Doanh nghiệp bị chia, bị tách, hợp nhất thành doanh nghiệp mới phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015. Doanh nghiệp mới thực hiện công việc kế toán cho kỳ kế toán đầu tiên theo nguyên tắc sau:
- Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bị chia, bị tách, hợp nhất chuyển sang được ghi nhận là số phát sinh của doanh nghiệp mới.
- Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Cột “Số đầu năm” của doanh nghiệp mới không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.
- Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm bị chia, bị tách, hợp nhất đến cuối kỳ báo cáo vào cột “Kỳ này”. Cột “Kỳ trước” không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.
Khi sáp nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhận sáp nhập phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015. Doanh nghiệp nhận sáp nhập thực hiện công việc kế toán theo nguyên tắc:
- Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp bị sáp nhập được ghi nhận là số phát sinh trong kỳ của đơn vị nhận sáp nhập. Số dư đầu kỳ của doanh nghiệp nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.
- Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bị sáp nhập chuyển sang được tổng hợp và trình bày trong cột “Số cuối năm” của doanh nghiệp nhận sáp nhập. Cột “Số đầu năm” của doanh nghiệp nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.
- Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Toàn bộ số liệu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của đơn vị bị sáp nhập được tổng hợp trong cột “Kỳ này” của đơn vị nhận sáp nhập và phải thuyết minh trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.