Có phải Quốc hội vừa thông qua Luật Tài nguyên nước 2023 hay không? Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập nào? – Thu Linh (Ninh Bình).
>> Điểm mới của Luật Căn cước 2023 và lý do ban hành Luật Căn cước 2023
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 26/11/2023
Chiều Thứ 2 ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sẽ biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước 2023 (tỉ lệ 97,74% đại biểu Quốc hội thông qua). Luật Tài nguyên nước 2023 (gồm 10 Chương, 86 Điều) bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 và sẽ thay thế cho Luật Tài nguyên nước 2012.
Các Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV |
Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập
Trong quá trình thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012 đã đạt được nhiều kết quả tốt; tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau đây; Luật Tài nguyên nước 2023 được kỳ vọng là khắc phục những vướng mắc, bất cập này.
- Một số quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.
- Việc chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước cũng là hạn chế của Luật, cùng với một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước. Điều này dẫn đến việc trên thực tế còn chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp triển khai giữa các Bộ, ngành, địa phương.
- Thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.
- Chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện các hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương như hoạt động quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;...cũng như đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước.
- Chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước điều này dẫn đến tình trạng sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước.
- Một số quy định điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với điều kiện thực tế như quy định về thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước và lập quy hoạch về tài nguyên nước.
- Chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy, dẫn đến không thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền.
- Ngoài ra, một số quy định không còn phù hợp hoặc cần phải có quy định cụ thể hơn hay phải bổ sung để nhằm quản lý chặt chẽ hơn như việc chấp thuận sử dụng mặt nước hồ chứa; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; kiểm soát các hoạt động đào hồ, ao tạo không gian chứa, trữ nước (hồ ao không trên sông suối) hoặc kênh nhân tạo dẫn nước; quy định liên quan đến phòng chống ngập úng khu vực đô thị; vấn đề chuyển đổi số, các quy định liên quan đến công cụ hỗ trợ ra quyết định cho công tác quản lý tài nguyên nước; quy định cụ thể đối tượng cụ thể thuộc trường hợp khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác; các trường hợp phải thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,...
Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm và việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết.
- Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
- Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.
- Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hóa.