PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình qua bài viết sau đây:
>> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình (Phần 6)
>> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình (Phần 5)
Tại phần 01 của bài viết đã trình bày 02 nội dung chuẩn mực ghi nhận tài sản cố định hữu hình căn cứ Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam chuẩn mực số 03 tài sản cố định hữu hình (ban hành và công bố theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC về bốn (04) chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 1) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành), sau đây là các nội dung còn lại về nội dung chuẩn mực ghi nhận tài sản cố định hữu hình của chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình:
Tài sản cố định hữu hình thường là bộ phận chủ yếu trong tổng số tài sản và đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp, vì vậy, việc xác định một tài sản có được ghi nhận là tài sản cố định hữu hình hay là một khoản chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình (Phần 2) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Khi xác định tiêu chuẩn chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản cố định hữu hình của mỗi tài sản cố định hữu hình, doanh nghiệp phải xác định mức độ chắc chắn của việc thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, dựa trên các bằng chứng hiện có tại thời điểm ghi nhận ban đầu và phải chịu mọi rủi ro liên quan.
Những tài sản sử dụng cho mục đích đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh hoặc bảo vệ môi trường mặc dù không trực tiếp đem lại lợi ích kinh tế như các tài sản cố định khác nhưng chúng lại cần thiết cho doanh nghiệp trong việc đạt được các lợi ích kinh tế nhiều hơn từ các tài sản khác. Tuy nhiên, các tài sản này chỉ được ghi nhận là tài sản cố định hữu hình nếu nguyên giá của chúng và các tài sản có liên quan không vượt quá tổng giá trị có thể thu hồi từ các tài sản đó và các tài sản khác có liên quan. Ví dụ, một nhà máy hóa chất có thể phải lắp đặt các thiết bị và thực hiện quy trình chứa và bảo quản hóa chất mới để tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với việc sản xuất và lưu trữ hóa chất độc. Các tài sản lắp đặt liên quan đi kèm chỉ được hạch toán là tài sản cố định hữu hình nếu không có chúng doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động và bán sản phẩm hóa chất của mình.
Tiêu chuẩn nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy cho việc ghi nhận tài sản cố định hữu hình thường đã được thỏa mãn vì nguyên giá tài sản được xác định thông qua mua sắm, trao đổi, hoặc tự xây dựng.
Khi xác định các bộ phận cấu thành tài sản cố định hữu hình, doanh nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn tài sản cố định hữu hình cho từng trường hợp cụ thể. Doanh nghiệp có thể hợp nhất các bộ phận riêng biệt không chủ yếu, như khuôn đúc, công cụ, khuôn dập và áp dụng các tiêu chuẩn tài sản cố định hữu hình vào tổng giá trị đó. Các phụ tùng và thiết bị phụ trợ thường được coi là tài sản lưu động và được hạch toán vào chi phí khi sử dụng. Các phụ tùng chủ yếu và các thiết bị bảo trì được xác định là tài sản cố định hữu hình khi doanh nghiệp ước tính thời gian sử dụng chúng nhiều hơn một năm. Nếu phụ tùng và thiết bị bảo trì chỉ được dùng gắn liền với tài sản cố định hữu hình và việc sử dụng chúng là không thường xuyên thì chúng được hạch toán là tài sản cố định hữu hình riêng biệt và được khấu hao trong thời gian ít hơn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản cố định hữu hình liên quan.
Trong từng trường hợp cụ thể, có thể phân bổ tổng chi phí của tài sản cho các bộ phận cấu thành của nó và hạch toán riêng biệt cho mỗi bộ phận cấu thành. Trường hợp này được áp dụng khi từng bộ phận cấu thành tài sản có thời gian sử dụng hữu ích khác nhau, hoặc góp phần tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp theo những tiêu chuẩn quy định khác nhau nên được sử dụng các tỷ lệ và các phương pháp khấu hao khác nhau. Ví dụ, một thân máy bay và động cơ của nó cần được hạch toán thành hai tài sản cố định hữu hình riêng biệt, có tỷ lệ khấu hao khác nhau, nếu chúng có thời gian sử dụng hữu ích khác nhau.
Quý khách hàng xem tiếp >> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình (Phần 3)