Hiện nay, pháp luật quy định về tài khoản 711 (thu nhập khác) như thế nào? – Ngô Diên (Hòa Bình).
>> Hướng dẫn lập và trình bày bảng cân đối kế toán năm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 10)
>> Hướng dẫn lập và trình bày bảng cân đối kế toán năm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 9)
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Thông tư 200/2014/TT-BTC, nguyên tắc kế toán của tài khoản 711 (thu nhập khác) được quy định như sau:
Tài khoản 711 (thu nhập khác) dùng để phản ánh các khoản thu nhập khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Gồm:
- Thu nhập từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định.
- Chênh lệch giữa giá trị hợp lý tài sản được chia từ hợp đồng hợp tác kinh doanh cao hơn chi phí đầu tư xây dựng tài sản đồng kiểm soát.
- Chênh lệch lãi do đánh giá lại vật tư, hàng hoá, tài sản cố định đưa đi góp vốn liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác.
- Thu nhập từ nghiệp vụ bán và thuê lại tài sản.
- Các khoản thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn (thuế xuất khẩu được hoàn, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường phải nộp nhưng sau đó được giảm).
- Thu tiền được phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng.
- Thu tiền bồi thường của bên thứ ba để bù đắp cho tài sản bị tổn thất (ví dụ thu tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh và các khoản có tính chất tương tự).
- Thu các khoản nợ khó đòi đã xử lý xóa sổ.
- Thu các khoản nợ phải trả không xác định được chủ.
- Các khoản tiền thưởng của khách hàng liên quan đến tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không tính trong doanh thu (nếu có).
- Thu nhập quà biếu, quà tặng bằng tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân tặng cho doanh nghiệp.
- Giá trị số hàng khuyến mại không phải trả lại.
- Các khoản thu nhập khác ngoài các khoản nêu trên.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 711 (thu nhập khác) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Khi có khả năng chắc chắn thu được các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, kế toán phải xét bản chất của khoản tiền phạt để kế toán phù hợp với từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc:
- Đối với bên bán: Tất cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng thu được từ bên mua nằm ngoài giá trị hợp đồng được ghi nhận là thu nhập khác.
- Đối với bên mua:
+ Các khoản tiền phạt về bản chất là khoản giảm giá hàng mua, làm giảm khoản thanh toán cho người bán được hạch toán giảm giá trị tài sản hoặc khoản thanh toán (không hạch toán vào thu nhập khác) trừ khi tài sản có liên quan đã được thanh lý, nhượng bán.
Ví dụ khi nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư được phạt nhà thầu theo đó được quyền thu hồi lại một phần số tiền đã thanh toán cho nhà thầu thì số tiền thu hồi lại được ghi giảm giá trị tài sản xây dựng. Tuy nhiên nếu khoản tiền phạt thu được sau khi tài sản đã được thanh lý, nhượng bán thì khoản tiền phạt được ghi vào thu nhập khác.
+ Các khoản tiền phạt khác được ghi nhận là thu nhập khác trong kỳ phát sinh. Ví dụ: Người mua được quyền từ chối nhận hàng và được phạt người bán nếu giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng thì khoản tiền phạt phải thu được ghi nhận là thu nhập khác khi chắc chắn thu được. Trường hợp người mua vẫn nhận hàng và số tiền phạt được giảm trừ vào số tiền phải thanh toán thì giá trị hàng mua được ghi nhận theo số thực phải thanh toán, kế toán không ghi nhận khoản tiền phạt vào thu nhập khác.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Thông tư 200/2014/TT-BTC, kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 711 (thu nhập khác) được quy định như sau:
- Bên Nợ:
+ Số thuế giá trị gia tăng phải nộp (nếu có) tính theo phương pháp trực tiếp đối với các khoản thu nhập khác ở doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp.
+ Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ sang tài khoản 911 (xác định kết quả kinh doanh).
- Bên Có: Các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ.
Lưu ý: Tài khoản 711 (thu nhập khác) không có số dư cuối kỳ.
Quý khách hàng xem tiếp >> Hướng dẫn tài khoản 711 (thu nhập khác) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 2).