PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục hướng dẫn tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC qua bài viết sau đây:
>> Hướng dẫn tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
>> Nguyên tắc kế toán vốn chủ sở hữu theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
Tại phần 1 của bài viết đã trình bày 07 nguyên tắc kế toán của tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Thông tư 200/2014/TT-BTC, sau đây là các nguyên tắc kế toán tiếp theo của tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) được quy định như sau:
Đối với công ty cổ phần, vốn góp cổ phần của các cổ đông được ghi theo giá thực tế phát hành cổ phiếu, nhưng được phản ánh chi tiết theo hai chỉ tiêu riêng: Vốn góp của chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần:
- Vốn góp của chủ sở hữu được phản ánh theo mệnh giá của cổ phiếu đồng thời được theo dõi chi tiêt đối với cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết và cổ phiếu ưu đãi. Doanh nghiệp phải kế toán chi tiết riêng 2 loại cổ phiếu ưu đãi:
+ Cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu nếu người phát hành không có nghĩa vụ phải mua lại cổ phiếu ưu đãi đó.
+ Cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả nếu bắt buộc người phát hành phải mua lại cổ phiếu ưu đãi đó tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai và nghĩa vụ mua lại cổ phiếu phải được ghi rõ ngay trong hồ sơ phát hành tại thời điểm phát hành cổ phiếu.
- Thặng dư vốn cổ phần phản ánh khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu (kể cả các trường hợp tái phát hành cổ phiếu quỹ) và có thể là thặng dư dương (nếu giá phát hành cao hơn mệnh giá) hoặc thặng dư âm (nếu giá phát hành thấp hơn mệnh giá).
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 2)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
- Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phát sinh khi doanh nghiệp phát hành loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu xác định được quy định sẵn trong phương án phát hành.
- Giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi được xác định là phần chênh lệch giữa tổng số tiền thu về từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi và giá trị cấu phần nợ của trái phiếu chuyển đổi (xem quy định của tài khoản 343 – Trái phiếu phát hành).
- Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi được ghi nhận riêng biệt trong phần vốn đầu tư của chủ sở hữu. Khi đáo hạn trái phiếu, kế toán chuyển quyền chọn này sang ghi nhận là thặng dư vốn cổ phần.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 22 Thông tư 177/2015/TT-BTC, bổ sung nguyên tắc kế toán tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) áp dụng đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như sau:
- Tài khoản này dùng để phản ánh vốn do chủ sở hữu đầu tư hiện có và tình hình tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tài khoản 411 chỉ sử dụng ở Trụ sở chính.
- Vốn đầu tư của chủ sở hữu bao gồm:
+ Vốn cấp ban đầu, cấp bổ sung của ngân sách nhà nước;
+ Các khoản được bổ sung từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu, chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động bảo hiểm tiền gửi;
+ Các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản nhận được khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu.
- Trụ sở chính chỉ hạch toán vào tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) theo số vốn thực tế NSNN cấp và phải tổ chức hạch toán chi tiết vốn đầu tư của chủ sở hữu theo từng nguồn hình thành vốn.
- Trụ sở chính ghi giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu khi:
+ Trụ sở chính nộp trả vốn cho ngân sách nhà nước;
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư 177/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2 Điều 67 Thông tư 200/2014/TT-BTC), kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) được quy định như sau:
- Tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) có 2 tài khoản cấp 2:
+ Tài khoản 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu: Phản ánh khoản vốn thực đã được ngân sách nhà nước cấp.
+ Tài khoản 4118 - Vốn khác: Phản ánh số vốn hoạt động được hình thành do bổ sung từ kết quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi hoặc do được tặng, biếu, tài trợ, đánh giá lại tài sản (nếu các khoản này được phép ghi tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu).
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Thông tư 177/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 67 Thông tư 200/2014/TT-BTC), kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 411 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) được quy định như sau:
- Khi thực nhận vốn do ngân sách nhà nước cấp, ghi:
+ Nợ các tài khoản 111, 112.
+ Có tài khoản 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
- Khi bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bổ sung vốn điều lệ từ các nguồn vốn hợp pháp khác thì phải kết chuyển sang vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
+ Nợ các tài khoản 412, 414, 421, 441.
+ Có tài khoản 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4111).
- Khi công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã hoàn thành hoặc công việc mua sắm tài sản cố định đã xong đưa vào sử dụng cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi, quyết toán vốn đầu tư được duyệt, kế toán ghi tăng nguyên giá tài sản cố định, đồng thời ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu:
+ Nợ tài khoản 441 - Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
+ Có tài khoản 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
- Khi nhận được quà biếu, tặng, tài trợ và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ghi tăng vốn Nhà nước, ghi:
+ Nợ các tài khoản 111, 112, 153, 211...
+ Có tài khoản 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4118).
+ Các trường hợp khác mà cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu ghi tăng vốn Nhà nước thì phản ánh quà biếu, tặng, tài trợ vào thu nhập khác.
- Khi nộp trả vốn cho ngân sách nhà nước, ghi:
+ Nợ tài khoản 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
+ Có các tài khoản 111, 112.
Click >> VÀO ĐÂY để quay lại từ đầu.