PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục hướng dẫn lập, trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu B03–DN) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC qua bài viết sau:
>> Hướng dẫn lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu B03–DN) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
>> Sổ kế toán và hình thức kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
Bài viết tiếp tục đề cập nguyên tắc lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo khoản 1 Điều 114 Thông tư 200/2014/TT-BTC đối với doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Các giao dịch về đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền hay các khoản tương đương tiền không được trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Ví dụ:
- Việc mua tài sản bằng cách nhận các khoản nợ liên quan trực tiếp hoặc thông qua nghiệp vụ cho thuê tài chính.
- Việc mua một doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu.
- Việc chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn lập, trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu B03–DN) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 2)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Các khoản mục tiền và tương đương tiền đầu kỳ và cuối kỳ, ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi tiền và các khoản tương đương tiền bằng ngoại tệ hiện có cuối kỳ phải được trình bày thành các chỉ tiêu riêng biệt trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để đối chiếu số liệu với các khoản mục tương ứng trên bảng cân đối kế toán.
Doanh nghiệp phải trình bày giá trị và lý do của các khoản tiền và tương đương tiền có số dư cuối kỳ lớn do doanh nghiệp nắm giữ nhưng không được sử dụng do có sự hạn chế của pháp luật hoặc các ràng buộc khác mà doanh nghiệp phải thực hiện.
Trường hợp doanh nghiệp đi vay để thanh toán thẳng cho nhà thầu, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ (tiền vay được chuyển thẳng từ bên cho vay sang nhà thầu, người cung cấp mà không chuyển qua tài khoản của doanh nghiệp) thì doanh nghiệp vẫn phải trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cụ thể:
- Số tiền đi vay được trình bày là luồng tiền vào của hoạt động tài chính;
- Số tiền trả cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ hoặc trả cho nhà thầu được trình bày là luồng tiền ra từ hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động đầu tư tùy thuộc vào từng giao dịch.
Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản thanh toán bù trừ với cùng một đối tượng, việc trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được thực hiện theo nguyên tắc:
- Nếu việc thanh toán bù trừ liên quan đến các giao dịch được phân loại trong cùng một luồng tiền thì được trình bày trên cơ sở thuần (Ví dụ trong giao dịch hàng đổi hàng không tương tự…);
- Nếu việc thanh toán bù trừ liên quan đến các giao dịch được phân loại trong các luồng tiền khác nhau thì doanh nghiệp không được trình bày trên cơ sở thuần mà phải trình bày riêng rẽ giá trị của từng giao dịch (Ví dụ bù trừ tiền bán hàng phải thu với khoản đi vay…).
Đối với luồng tiền từ giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ và các giao dịch REPO chứng khoán: Bên bán trình bày là luồng tiền từ hoạt động tài chính; Bên mua trình bày là luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
Cơ sở lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy định theo khoản 2 Điều 114 Thông tư 200/2014/TT-BTC đối với doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Việc lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được căn cứ vào:
- Bảng Cân đối kế toán;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kỳ trước;
- Các tài liệu kế toán khác, như: Sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết các tài khoản “Tiền mặt”, “Tiền gửi Ngân hàng”, “Tiền đang chuyển”; Sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết của các tài khoản liên quan khác, bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định và các tài liệu kế toán chi tiết khác...
Quý khách hàng xem tiếp >> Hướng dẫn lập, trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu B03–DN) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 3)