Doanh nghiệp tư nhân chỉ có duy nhất một chủ sở hữu. Tài sản của doanh nghiệp cũng là tài sản của chủ sở hữu. Khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết, thì hậu quả pháp lý đối với doanh nghiệp đó sẽ như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ vấn đề này.
>> Những điều cần biết về kinh doanh khai thác và quản lý chợ
>> Những hành vi bị cấm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
Nguồn: Internet
Căn cứ theo quy định tại Điều 188, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Theo đó mỗi doanh nghiệp tư nhân sẽ do một cá nhân làm chủ và cá nhân đó sẽ tự chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình. Bản thân doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân gắn liền với quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Theo khoản 3 Điều 190 thì: "Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Vì thế, khi chủ doanh nghiệp chết đi những nghĩa vụ tài sản và các khoản nợ mà doanh nghiệp chưa thực hiện sẽ được đảm bảo bằng tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết đi sẽ có quyền để lại tài sản thừa kế là doanh nghiệp tư nhân này.
Xử lý thế nào khi chủ DNTN chết?
Căn cứ khoản 2, 3 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thực hiện quyền của chủ DNTN trong trường hợp chủ DNTN chết như sau:
Điều 193. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt:
…
2. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
3. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
Như vậy, trường hợp chủ doanh nghiệp doanh nghiệp tư nhân chết thì doanh nghiệp tư nhân đó sẽ giải quyết theo các hướng dưới đây:
Trường hợp có người thừa kế
Nếu chỉ có duy nhất một người thừa kế hoặc những người thừa kế thoả thuận và cử một người đứng ra nhận thừa kế thì người thừa kế đó trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân mới. Doanh nghiệp tư nhân phải tiến hành thủ tục thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người thừa kế;
- Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế
Người thừa kế phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Lưu ý: Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đã mất có nhiều người thừa và những người thừa kế không thoả thuận được người thừa kế đứng ra làm chủ doanh nghiệp tư nhân thì phải tiến hành thành lập loại hình doanh nghiệp khác hoặc tiến hành giải thể doanh nghiệp.
Trường hợp không có người thừa kế
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế là khi họ không để lại di chúc và cũng không có người thừa kế theo pháp luật (do bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản thừa kế). Lúc này, tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ được xử lý theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Cụ thể:
Điều 622 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế bị truất quyền thừa kế, từ chối nhận thừa kế thì tài sản của doanh nghiệp tư nhân sẽ thuộc về nhà nước.
Căn cứ pháp lý: