Theo Thông tư 43/2024/TT-BTC, từ ngày 01/7 đến hết năm 2024, phí đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài được giảm 50%.
>> Trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp năm 2024
>> Thủ tục cấp Giấy phép thành lập trung tâm trọng tài năm 2024
Ngày 28/6/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 43/2024/TT-BTC quy định về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu lực từ ngày 01/7 đến 31/12/2024.
Theo STT 8 khoản 1 Điều 1 Thông tư 43/2024/TT-BTC, kể từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, mức thu phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài bằng 50% mức thu phí quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 232/2016/TT-BTC. Cụ thể như sau:
- Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm: 250.000 đồng/hồ sơ.
- Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm: 5.000 đồng/mã.
![]() |
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Giảm 50% phí đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài từ ngày 01/7 đến 31/12/2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 2 Thông tư 232/2016/TT-BTC, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch, duy trì sử dụng mã số mã vạch hoặc nộp hồ sơ đề nghị xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài phải nộp phí cấp mã số mã vạch theo quy định tại Thông tư 232/2016/TT-BTC.
Căn cứ Điều 6 Thông tư 232/2016/TT-BTC, việc quản lý và sử dụng phí mã số mã vạch được quy định như sau:
(i) Tổ chức thu phí được để lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước; trừ trường hợp quy định tại khoản (ii) Mục này. Tiền phí được để lại để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả: chi nộp hội phí cho Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1) theo quy định; chi cho việc triển khai áp dụng những quy định của GS1; chi hoạt động nghiên cứu phát triển, triển khai công nghệ, giải pháp mã số mã vạch; chi xây dựng và duy trì hệ thống dữ liệu mã số mã vạch; chi cho hoạt động quản lý, giám sát sử dụng mã số mã vạch; chi hội thảo, tập huấn, đào tạo nghiệp vụ trong nước và quốc tế, tổ chức các sự kiện liên quan do GS1 quốc tế chỉ định; chi tuyên truyền quảng cáo phục vụ cho công việc dịch vụ, thu phí, triển khai hoạt động quản lý mã số mã vạch.
(ii) Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Nguyên tắc xác định mức thu phí – Luật Phí và lệ phí 2015 Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân Điều 10. Miễn, giảm phí, lệ phí - Luật Phí và lệ phí 2015 1. Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật. 2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án. 3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. |