Sau gần 9 năm áp dụng, Luật Đấu thầu 2013 đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay nên cần phải được cập nhật, sửa đổi. Ngày 15/6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn 3975/BKHĐT-QLĐT về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu. Theo đó, dự thảo này có những điểm mới về dự án đầu tư so với quy định cũ.
>> Quy trình nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam năm 2022
>> Thủ tục thành lập, hoạt động doanh nghiệp chế xuất kể từ ngày 15/7/2022
1. Những điểm mới về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật Đấu thầu
1.1. Lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu
Theo điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 1 của Dự thảo đã làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2013 bao gồm các hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc:
- Dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
- Dự án, dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
- Dự án, dự toán mua sắm hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn nhà nước;
- Dự án, dự toán mua sắm mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.
Dự thảo cũng bãi bỏ quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013 về việc lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, Dự thảo vẫn điều chỉnh hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu sau:
- Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
- Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;
- Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
1.2. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư
Theo khoản 2 Điều 1 Dự thảo cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2013 theo hướng bổ sung họat động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh:
- Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ;
- Dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
1.3. Đối tượng áp dụng
Ngoài các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh (nêu trên), tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo đã bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là tổ chức có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu chọn áp dụng Luật này nhưng phải xác định cụ thể các điều, khoản, điểm sẽ thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu
Ngoài ra, Dự thảo quy định cụ thể các hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu tại khoản 3 Điều 1 gồm:
- Dự án đối tác công tư (PPP);
- Các hoạt động chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, mua hoặc thuê nhà, trụ sở, bất động sản hoặc các quyền liên quan đến các hoạt động này;
- Gói thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm cung cấp hỗ trợ quốc tế bao gồm cả viện trợ phát triển;
- Gói thầu được tài trợ bởi tổ chức quốc tế, cá nhân, tổ chức trong nước hoặc được tài trợ, cho vay, hỗ trợ từ nước ngoài hoặc quốc tế mà có yêu cầu áp dụng các điều kiện, quy định về lựa chọn nhà thầu của tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, cá nhân, tổ chức trong nước đó;
- Gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam;
- Lựa chọn nhà thầu, đối tác để trực tiếp thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí;
- Hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án;
- Lựa chọn thành viên trong ban hòa giải, ban trọng tài để xử lý tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng; thành viên trong hội đồng giải quyết kiến nghị.
Trên đây là quy định về Dự thảo Luật Đấu thầu: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý