Kiểm toán là hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao và có tầm ảnh hưởng to lớn đối với doanh nghiệp. Vì lẽ đó, trong quá trình thuê đơn vị kiểm toán và thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
>> Doanh nghiệp và Kiểm toán (Phần I)
>> 21 lỗi về “Báo cáo tài chính” mà dân kế toán bắt buộc phải biết
(* Kiểm toán được đề cập trong phạm vi bài viết này là hoạt động kiểm toán độc lập, do các doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài thực hiện dịch vụ kiểm toán xuyên biên giới – dưới đây gọi là đơn vị kiểm toán, thực hiện kiểm toán cho doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ đơn vị có lợi ích công chúng)
Vai trò của kiểm toán trong đời sống của doanh nghiệp
Nói một cách đơn giản, có thể hiểu kiểm toán như là một hình thức thanh, kiểm tra tài chính của doanh nghiệp. Nó sẽ giúp cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng, tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan và cơ quan nhà nước minh bạch tình trạng cũng như nhận thức được những lỗ hổng còn tồn tại trong tài chính của doanh nghiệp.
Kiểm toán được xem như một con dao hai lưỡi: vừa giúp doanh nghiệp nhận thấy những vấn đề về tài chính trong nội tại hoạt động của mình để loại bỏ hoặc bù đắp, nhưng cũng đồng thời dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp sẽ phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật từ những vấn đề đó.
Kiểm toán là hoạt động được khuyến khích
Sở dĩ “khuyến khích”, là bởi không phải doanh nghiệp nào cũng là đối tượng bắt buộc phải kiểm toán, mà chỉ có một số đối tượng nhất định (xem chi tiết tại bài viết Doanh nghiệp và kiểm toán – Phần 1).
Với vai trò của mình, kiểm toán sẽ giúp cơ quan Nhà nước tiết kiệm nhiều thời gian, công sức trong việc quản lý tài chính doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhờ hoạt động kiểm toán, chính doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan sẽ dễ dàng nắm rõ tình trạng tài chính của doanh nghiệp mình mà không nhất thiết phải có chuyên môn về lĩnh vực này – điều này có nghiã là, tình trạng “biển thủ” và “đục nước béo cò” trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ được giảm thiểu đáng kể.
Thực hiện kiểm toán
Điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần lưu ý đó là, việc giao kết hợp đồng dịch vụ kiểm toán với tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề kiểm toán là vi phạm pháp luật, nên việc xác định đơn vị kiểm toán để thuê là hết sức trọng yếu.
Câu hỏi đặt ra là: doanh nghiệp có được thuê nhiều doanh nghiệp kiểm toán cùng một đối tượng? Rất rõ ràng, quy định của pháp luật không hề có quy định nào cấm vấn đề này. Tuy nhiên, vì đặc trưng của hoạt động kiểm toán là kiểm tra về tài chính, việc hai đơn vị kiểm toán một doanh nghiệp một lúc chỉ làm phát sinh nhiều vấn đề hơn là tạo ra kết quả so sánh như kỳ vọng. Mặt khác, chi phí kiểm toán có thể nói là không thấp, điều này cũng khiến các doanh nghiệp cân nhắc và càng khiến cho việc này trở nên thiếu khả thi. Song, nếu một đơn vị kiểm toán đã nhận kiểm toán thì pháp luật lại cho phép đơn vị này chuyển giao dịch vụ kiểm toán nếu được sự đồng ý của doanh nghiệp được kiểm toán.
Một vấn đề khác không kém quan trọng là doanh nghiệp được kiểm toán hoàn toàn không có thẩm quyền can thiệp vào kết quả kiểm toán do đơn vị kiểm toán cung cấp. Mọi hành vi cản trở; mua chuộc, hối lộ, thông đồng; cung cấp thông tin được kiểm toán là sai lệch, giả mạo; đe dọa, trả thù, ép buộc; … hòng làm sai lệch kết quả kiểm toán đều bị nghiêm cấm.
Nói cách khác, doanh nghiệp được kiểm toán có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của kiểm toán viên hành nghề và đơn vị kiểm toán, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của những thông tin này. Về nguyên tắc, các thành viên thực hiện kiểm toán chỉ kiểm toán dựa trên các thông tin được cung cấp và không chịu trách nhiệm về tính trung thực hay chính xác của những thông tin đó.
Quy trình kiểm toán
Bước 1: Doanh nghiệp liên hệ với đơn vị kiểm toán và hai bên tiến hành thỏa thuận, nếu đơn vị kiểm toán chấp nhận kiểm toán thì thông báo đến doanh nghiệp quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ kiểm toán, giới hạn trách nhiệm tài chính của đơn vị kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề khi xảy ra rủi ro kiểm toán.
Bước 2: Hai bên kí kết Hợp đồng kiểm toán (bảo đảm các nội dung tại Khoản 2 Điều 42 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011), trong đó phải có chữ ký của người phụ trách kiểm toán do đơn vị kiểm toán cử và tiến hành cung cấp, trao đổi thông tin cần thiết cho việc kiểm toán.
Doanh nghiệp có quyền từ chối cung cấp các thông tin không liên quan đến việc kiểm toán
Bước 3: Đơn vị kiểm toán và các thành viên tham gia kiểm toán lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán theo 37 chuẩn mực được ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp không có quyền can thiệp vào hoạt động kiểm toán nhưng vẫn được đảm bảo các quyền lợi sau:
- Đề nghị thay thế thành viên tham gia cuộc kiểm toán khi có căn cứ cho rằng thành viên đó vi phạm nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập trong quá trình thực hiện kiểm toán;
- Khiếu nại về hành vi của thành viên tham gia cuộc kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật.
- Yêu cầu bồi thường trong trường hợp đơn vị kiểm toán gây thiệt hại.
- …
Bước 4: Kết thúc kiểm toán, đơn vị kiểm toán lập báo cáo kiểm toán, đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và các nội dung khác đã được kiểm toán; các bên thực hiện công tác xử lý sau kiểm toán.
- Doanh nghiệp được kiểm toán nhận báo cáo kiểm toán từ đơn vị kiểm toán và nộp kèm báo cáo tài chính hoặc báo cáo quyết toán dự án đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu thuộc trường hợp bắt buộc phải kiểm toán; nếu doanh nghiệp tự nguyện kiểm toán thì không nhất thiết phải nộp kèm báo cáo này.
Nếu có nhu cầu, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp được kiểm toán có quyền yêu cầu đơn vị kiểm toán giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán.
Thông qua quá trình kiểm toán, nếu phát hiện thấy những vấn đề bất cập hay sai phạm, doanh nghiệp nên nhanh chóng khắc phục để hạn chế hậu quả và khả năng phải chịu chế tài pháp luật đến mức thấp nhất.
- Doanh nghiệp được kiểm toán thanh toán phí kiểm toán dựa trên một trong 03 cơ sở dưới đây, theo thỏa thuận trong hợp đồng kiểm toán:
+ Giờ làm việc của kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên;
+ Từng dịch vụ kiểm toán với mức phí trọn gói;
+ Hợp đồng kiểm toán nhiều kỳ với mức phí cố định từng kỳ.
Bảo đảm tính độc lập trong kiểm toán
Với xuất phát điểm là một hợp đồng dịch vụ, với tư cách là bên mua và bên cung ứng, đâu là thước đo để bảo đảm kiểm toán là “độc lập?
Thứ nhất, như đã đề cập, việc thực hiện kiểm toán phải tuân theo những chuẩn mực do pháp luật quy định chứ không phải do đơn vị kiểm toán toàn quyền quyết định. Những chuẩn mực này là công khai và bất cứ bên nào cũng có quyền được biết.
Thứ hai, tuy cùng tham gia vào một hợp đồng dịch vụ, nhưng mối bên lại phải chịu những hạn chế riêng rất nghiêm ngặt để đảm bảo không có những quyền và lợi ích liên quan đến nhau gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm toán.
Ngoài một số hạn chế đối với doanh nghiệp kiểm toán đã nêu ở phần trước, Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định 9 trường hợp mà đơn vị kiểm toán không được thực hiện kiểm toán tại Điều 9, đơn cử:
- Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề một trong các dịch vụ sau cho đơn vị được kiểm toán:
+ Công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính;
+ Thực hiện dịch vụ kiểm toán nội bộ;
+ Thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm soát nội bộ;
+ Các dịch vụ khác có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
- Thành viên tham gia cuộc kiểm toán, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc đang nắm giữ cổ phiếu, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác với đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
- …
Có thể thấy rằng, ngoài ý thức của người trong cuộc, thì những quy định hạn chế trên đây là một trong những căn cứ quan trọng nhất bảo đảm tính khách quan và độc lập của công tác kiểm toán.
Căn cứ pháp lý:
- Luật kiểm toán độc lập năm 2011;
Quỳnh Như