Kể từ ngày 13/07/2022, Nghị định 46/2022/NĐ-CP có hiệu lực đã bổ sung một số điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vậy, điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay cần những điều kiện gì? Mời Quý thành viên cùng tham khảo nội dung sau:
>> Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino
>> Phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định
Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Chăn nuôi 2018 và Điều 9 Nghị định 13/2020/NĐ-CP (được bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP) thì tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;
(2) Thiết kế khu sản xuất, bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, bảo đảm tách biệt giữa các khu sản xuất để tránh nhiễm chéo;
(3) Có hoặc thuê phòng thử nghiệm để phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất;
(4) Có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 13/2020/NĐ-CP như sau:
- Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với thức ăn chăn nuôi phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không gây nhiễm chéo, không thôi nhiễm chất độc hại từ thiết bị sang thức ăn chăn nuôi;
- Khu vực chứa thức ăn chăn nuôi bảo đảm thông thoáng, có đủ ánh sáng để quan sát bằng mắt thường, có giải pháp chống ẩm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm;
- Cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.
(5) Có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp;
(6) Có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định;
(7) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch;
(8) Có biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(9) Có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn để không ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi, cụ thể tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2020/NĐ-CP:
- Có biện pháp để kiểm soát tạp chất (cát sạn, kim loại, bụi) gây nhiễm bẩn vào sản phẩm;
- Có biện pháp kiểm soát, phòng, chống động vật xâm nhập vào khu vực sản xuất, khu lưu trữ sản phẩm;
- Có biện pháp phòng, chống mối mọt;
- Có biện pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường;
- Có biện pháp bảo hộ, vệ sinh cho người lao động và khách tham quan khu vực sản xuất;
(10) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh.
Đây là những điều kiện mới được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(11) Cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi khi sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng cho tổ chức, cá nhân khác phải bàn giao một bản sao nhật ký sản xuất lô hàng cho tổ chức, cá nhân thuê sản xuất tại cơ sở để lưu giữ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc;
(12) Tổ chức, cá nhân thuê cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi để sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại phải lưu hồ sơ công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.
Tổ chức, cá nhân thuê cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi để sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải lưu nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.
Lưu ý: Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ phải đáp ứng các điều kiện (1), (2), (3), (5), (6), (8), (9) và (10) nêu trên, trừ trường hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ sử dụng trong chăn nuôi nông hộ.
Trên đây là quy định về Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi năm 2022. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Cơ sở pháp lý