Trong năm 2024, có sự thay đổi nào trong trình tự và thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường hay không? Xin được giải đáp – Hy An (TP. Hồ Chí Minh).
>> Cập nhật giá vàng ngày vía Thần Tài (Mùng 10 Tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024)
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 18/02/2024
Ngày 18/01/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (có hiệu lực từ 03/3/2024). Theo đó, trình tự và thủ tục kiểm tra về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thay đổi từ ngày 03/3/2024 như sau:
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo các bước sau:
(i) Công bố Quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra. Quyết định kiểm tra được lập theo Mẫu 1. QĐ/ĐKT của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN (Trong khi đó, theo quy định hiện hành, Quyết định kiểm tra được lập theo Mẫu 2a. QĐKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2012/TT-BKHCN).
(ii) Tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
(iii) Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu 3. BB/ĐKT của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, Trưởng Đoàn kiểm tra. Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là chính quyền cấp xã) hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.
Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý.
Trường hợp Đoàn kiểm tra có lấy mẫu hàng hóa thì thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
(Trong khi đó, theo quy định hiện hành, biên bản kiểm tra được lập theo Mẫu 3a. BBKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2012/TT-BKHCN. Đồng thời, hiện tại, khi người bán không ký vào biên bản kiểm tra thì đoàn kiểm tra chỉ cần ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản” và nêu rõ lý do không ký biên bản, khi đó biên bản có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý mà không cần phải có chữ ký đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến).
(v) Xử lý, kiến nghị theo quy định tại Điều 10 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
(vi) Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Điểm mới về trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Kiểm soát viên chất lượng tiến hành kiểm tra độc lập, đột xuất theo các bước sau đây:
(i) Công bố Quyết định kiểm tra được người có thẩm quyền ban hành, xuất trình thẻ kiểm soát viên chất lượng trước khi kiểm tra. Quyết định kiểm tra được lập theo Mẫu 2. QĐ/KSV của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN. (Trong khi đó đó, theo quy định hiện hành, kiểm soát viên chất lượng không phải công bố Quyết định kiểm tra mà chỉ cần xuất trình thẻ kiểm soát viên chất lượng trước khi kiểm tra).
(ii) Tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
(iii) Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu 4. BB/KSV của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, kiểm soát viên chất lượng. Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.
Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì kiểm soát viên chất lượng phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của kiểm soát viên chất lượng vẫn có giá trị pháp lý.
(Trong khi đó đó, hiện nay, biên bản kiểm tra được lập theo theo Mẫu 3b. BBKT - KSVCL tại Phụ lục kèm theo Thông tư 26/2012/TT-BKHCN. Đồng thời, trường hợp người bán hàng không ký vào biên bản thì kiểm soát viên chất lượng chỉ cần ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản” và nêu rõ lý do không ký biên bản, quy định hiện hành không có yêu cầu về chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến trong biên bản kiểm tra).
(iv) Xử lý, kiến nghị theo quy định tại Điều 10 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
(v) Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.
Ngoài ra, từ ngày 03/3/2024, trường hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử, cơ quan chủ trì kiểm tra xác định hoặc xác minh (tên, địa chỉ) người bán hàng trước khi kiểm tra và trình tự kiểm tra sẽ thực hiện tương tự như Mục 1 và Mục 2 bên trên (đây là điểm mới được bổ sung thêm trong Thông tư 01/2024/TT-BKHCN).
(Căn cứ Điều 7 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN và Điều 8 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 12/2017/TT-BKHCN).
- Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Đối tượng kiểm tra:
+ Hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam.
+ Hàng hóa trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng kiểm tra quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
Nội dung nêu trên được đề cập tại Điều 2 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.