Ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
>> 08 công việc Nhân sự, Kế toán cần làm trong tháng 3/2022
>> Mẫu hóa đơn/ biên lai điện tử theo Thông tư 78/2021
1. Bổ sung thêm quy định về việc điều chỉnh số thuế phải nộp trong trường hợp hộ khoán đã được thông báo số thuế từ đầu năm nhưng trong năm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định sửa đổi khoản 3 Điều 7 của Thông tư 40/2021/TT-BTC:
3. Hộ khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp từ đầu năm thì hộ khoán thực hiện nộp thuế theo thông báo. Trường hợp hộ khoán đã được thông báo số thuế từ đầu năm nhưng trong năm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh số thuế phải nộp theo hướng dẫn tại điểm b.4, điểm b.5 khoản 4 Điều 13 Thông tư này. Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh trong năm (kinh doanh không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) thì hộ khoán thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN nếu có doanh thu kinh doanh trong năm trên 100 triệu đồng; hoặc thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN nếu có doanh thu kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
Khoản 3 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC:
3. Hộ khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: hộ khoán mới ra kinh doanh, hộ khoán kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, hộ khoán ngừng, tạm ngừng kinh doanh. Đối với hộ khoán kinh doanh không trọn năm, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định mức thuế khoán phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.
Ví dụ 1: Ông A bắt đầu kinh doanh từ tháng 4 năm 2022, và dự kiến có doanh thu khoán của 09 tháng thực tế kinh doanh là 90 triệu đồng (trung bình 10 triệu đồng/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng). Như vậy, Ông A thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh từ tháng 4 năm 2022 là 90 triệu đồng.
Như vậy, Thông tư mới đã bổ sung thêm trường hợp hộ khoán đã được thông báo số thuế từ đầu năm nhưng trong năm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh số thuế phải nộp theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư mới này.
Trong khi Thông tư cũ chỉ quy định chung chung cho các trường hợp hộ khoán không trọn năm thì quy định mới này đã hướng dẫn chi tiết cho cả trường hợp hộ khoán tạm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh trong năm và kinh doanh không đủ 12 tháng trong năm dương lịch
Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng đã điều chỉnh việc chỉ thu thuế GTGT, TNCN với hộ kinh doanh có doanh thu trong năm từ 100 triệu đồng trở lên thay vì phải chia trung bình doanh thu thực trên tháng để tính cả năm.
2. Quy định lại về việc tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định:
đ) Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự;
e) Cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân là người nộp thuế trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC:
đ) Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan;
e) Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo ủy quyền của pháp luật dân sự.
Điểm đ của Thông tư mới đã không còn quy định bắt buộc Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.
Và do điểm đ Thông tư mới đã quy định về việc khai thuế thay, nộp thuế thay của tất cả các tổ chức nên điểm e chỉ quy định việc cá nhân khai thuế, nộp thuế thay.
Trên đây là bài viết Điểm mới của Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Hữu Tiến