PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày quy định về Chuẩn mực kiểm toán số 600: Lưu ý khi kiểm toán BCTC tập đoàn qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 600: Lưu ý khi kiểm toán BCTC tập đoàn
>> Chuẩn mực kiểm toán số 550: Các bên liên quan (Phần 18)
Căn cứ theo Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 600: Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn (Kể cả công việc của kiểm toán viên đơn vị thành viên) (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 600) ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, Chuẩn mực kiểm toán số 600 được quy định như sau:
(i) Trong các Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Đơn vị thành viên: Là một bộ phận hoặc đơn vị kinh doanh có thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính do Ban Tổng Giám đốc/Ban Giám đốc tập đoàn hoặc Ban Giám đốc đơn vị thành viên lập và thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính đó phải được bao gồm trong báo cáo tài chính tập đoàn (xem hướng dẫn tại đoạn A2 - A4 Chuẩn mực kiểm toán số 600).
- Kiểm toán viên đơn vị thành viên: Là kiểm toán viên thực hiện kiểm toán hoặc soát xét thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính của đơn vị thành viên để phục vụ cho mục đích kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn, theo yêu cầu của nhóm kiểm toán tập đoàn (xem hướng dẫn tại đoạn A7 Chuẩn mực kiểm toán số 600).
- Ban Giám đốc đơn vị thành viên: Là Ban Giám đốc chịu trách nhiệm lập và trình bày thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính của đơn vị thành viên đó.
- Mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên: Là mức trọng yếu do nhóm kiểm toán tập đoàn xác định để áp dụng đối với một đơn vị thành viên.
- Tập đoàn: Là đơn vị bao gồm các đơn vị thành viên mà thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên được bao gồm toàn bộ hoặc một phần trong báo cáo tài chính của tập đoàn. Một tập đoàn phải có ít nhất hai đơn vị thành viên, bao gồm cả công ty mẹ.
- Kiểm toán tập đoàn: Là kiểm toán báo cáo tài chính của tập đoàn.
- Ý kiến kiểm toán tập đoàn: Là ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính của tập đoàn.
- Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán tập đoàn: Là thành viên Ban Giám đốc chịu trách nhiệm về hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn và việc thực hiện hợp đồng này, thay mặt cho doanh nghiệp kiểm toán ký báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính tập đoàn. Khi có từ hai doanh nghiệp kiểm toán trở lên thực hiện cuộc kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn, các thành viên Ban Giám đốc phụ trách cuộc kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán đó và các nhóm kiểm toán của họ phải tạo nên một thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán tập đoàn và nhóm kiểm toán tập đoàn. Tuy nhiên, Chuẩn mực này không giải quyết mối quan hệ giữa các doanh nghiệp kiểm toán cùng thực hiện cuộc kiểm toán tập đoàn hay công việc được thực hiện bởi một doanh nghiệp kiểm toán trong mối quan hệ với công việc của doanh nghiệp kiểm toán kia;
- Nhóm kiểm toán tập đoàn: Bao gồm các thành viên Ban Giám đốc (kể cả thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán tập đoàn) và các thành viên khác chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể của tập đoàn, trao đổi với các kiểm toán viên đơn vị thành viên, thực hiện kiểm tra quy trình hợp nhất và đánh giá các kết luận rút ra từ bằng chứng kiểm toán làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính tập đoàn;
- Báo cáo tài chính tập đoàn: Là báo cáo tài chính bao gồm toàn bộ hoặc một phần thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Thuật ngữ “Báo cáo tài chính tập đoàn” để chỉ báo cáo tài chính hợp nhất được lập từ báo cáo tài chính của công ty mẹ và các công ty con hoặc báo cáo tài chính tổng hợp được lập từ báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên không có công ty mẹ nhưng đều chịu sự kiểm soát chung;
- Ban Giám đốc tập đoàn: Là Ban Tổng Giám đốc/Ban Giám đốc chịu trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính tập đoàn.
- Các kiểm soát được áp dụng cho cả tập đoàn: Là các kiểm soát được thiết kế, thực hiện và duy trì bởi Ban Giám đốc tập đoàn đối với toàn bộ việc lập và trình bày báo cáo tài chính tập đoàn.
- Đơn vị thành viên quan trọng: Là đơn vị thành viên mà nhóm kiểm toán tập đoàn xác định là (i) có ảnh hưởng đáng kể về mặt tài chính đối với tập đoàn, hoặc (ii) tuỳ theo bản chất hay hoàn cảnh cụ thể, đơn vị thành viên đó có thể tạo ra rủi ro đáng kể có sai sót trọng yếu cho báo cáo tài chính của tập đoàn (xem hướng dẫn tại đoạn A5 - A6 Chuẩn mực kiểm toán số 600).
(ii) “Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng” được đề cập có nghĩa là khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng cho báo cáo tài chính tập đoàn. “Quy trình hợp nhất” bao gồm:
- Ghi nhận, đo lường, trình bày và thuyết minh thông tin tài chính về các đơn vị thành viên trong báo cáo tài chính tập đoàn bằng phương pháp hợp nhất toàn bộ, hợp nhất từng phần, hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu hoặc phương pháp giá gốc.
- Tổng hợp các thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên không có công ty mẹ nhưng chịu sự kiểm soát chung vào báo cáo tài chính tổng hợp của tập đoàn.
Chuẩn mực kiểm toán số 600 theo Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 600: Lưu ý khi kiểm toán BCTC tập đoàn (Phần 2) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại đoạn 15 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220: Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán tập đoàn chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn, giám sát và thực hiện cuộc kiểm toán tập đoàn tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định được áp dụng và đảm bảo rằng báo cáo kiểm toán được lập phù hợp với tình hình thực tế của cuộc kiểm toán. Do đó, báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính của tập đoàn không được đề cập đến kiểm toán viên đơn vị thành viên, trừ khi pháp luật và các quy định có yêu cầu. Nếu pháp luật và các quy định có yêu cầu như vậy thì báo cáo kiểm toán tập đoàn phải chỉ rõ rằng việc đề cập đến kiểm toán viên đơn vị thành viên trong báo cáo kiểm toán tập đoàn không làm giảm trách nhiệm của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán tập đoàn và của doanh nghiệp kiểm toán tập đoàn đối với ý kiến kiểm toán tập đoàn (xem hướng dẫn tại đoạn A8 - A9 Chuẩn mực kiểm toán số 600 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 600: Lưu ý khi kiểm toán BCTC tập đoàn (Phần 3)