PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm liên quan đến gian lận trong kiểm toán BCTC qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm liên quan đến gian lận trong kiểm toán BCTC (Phần 21)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm liên quan đến gian lận trong kiểm toán BCTC (Phần 20)
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 240) (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 240 tiếp tục được trình bày như sau:
Hướng dẫn đoạn 40 Chuẩn mực kiểm toán 240 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Khi đã thu thập được bằng chứng về sự tồn tại hoặc có thể tồn tại gian lận, kiểm toán viên cần trao đổi ngay với cấp quản lý thích hợp của đơn vị được kiểm toán, kể cả khi vấn đề phát hiện được có thể được coi là không có ảnh hưởng đáng kể (ví dụ, việc biển thủ tài sản có giá trị nhỏ của một nhân viên cấp thấp trong đơn vị). Việc xác định cấp quản lý thích hợp của đơn vị để trao đổi tùy thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như khả năng thông đồng, nội dung và mức độ nghiêm trọng của gian lận. Thông thường, cấp quản lý thích hợp của đơn vị phải cao hơn ít nhất một cấp so với những người có liên quan đến gian lận.
Chuẩn mực kiểm toán số 240 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm liên quan đến gian lận trong kiểm toán BCTC (Phần 22)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hướng dẫn đoạn 41 Chuẩn mực kiểm toán 240 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
- Kiểm toán viên có thể trao đổi với Ban quản trị bằng lời hoặc bằng văn bản. Đoạn A38 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 260 (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC) xác định các yếu tố mà kiểm toán viên cần xem xét để quyết định cách thức trao đổi bằng lời hay bằng văn bản. Do nội dung và độ nhạy cảm của gian lận có liên quan đến nhà quản lý cấp cao, hoặc gian lận dẫn đến sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần báo cáo các vấn đề trên một cách kịp thời và có thể xem xét sự cần thiết phải báo cáo bằng văn bản.
- Trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể thấy cần trao đổi với Ban quản trị mặc dù gian lận được phát hiện chỉ liên quan đến các nhân viên mà không phải là Ban Giám đốc và không dẫn đến sai sót trọng yếu. Tương tự, Ban quản trị có thể mong muốn được thông báo về những trường hợp đó. Quy trình trao đổi này sẽ được thực hiện hiệu quả nếu kiểm toán viên và Ban quản trị đã thống nhất ngay trong giai đoạn đầu của cuộc kiểm toán về nội dung và mức độ thông báo của kiểm toán viên đối với vấn đề liên quan đến gian lận.
- Trường hợp có nghi ngờ về tính chính trực hay tính trung thực của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị, thì kiểm toán viên cần cân nhắc việc xin ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật để xác định biện pháp thích hợp.
Hướng dẫn đoạn 42 Chuẩn mực kiểm toán 240 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Các vấn đề khác liên quan đến gian lận cần được thảo luận với Ban quản trị của đơn vị có thể bao gồm:
- Lo ngại về nội dung, phạm vi và tần suất thực hiện đánh giá của Ban Giám đốc đối với các kiểm soát đang được thực hiện để ngăn chặn và phát hiện gian lận và đối với rủi ro làm cho báo cáo tài chính có thể bị sai sót.
- Ban Giám đốc không khắc phục được các khiếm khuyết nghiêm trọng đã được phát hiện trong kiểm soát nội bộ, hoặc không xử lý được một cách thích hợp đối với các gian lận đã được phát hiện.
- Đánh giá của kiểm toán viên về môi trường kiểm soát của đơn vị, bao gồm các nghi ngờ về năng lực và tính chính trực của Ban Giám đốc.
- Các hành động của Ban Giám đốc có thể cho thấy việc lập báo cáo tài chính gian lận, như việc Ban Giám đốc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán có thể cho thấy mục đích của Ban Giám đốc là để điều chỉnh kết quả kinh doanh làm cho người sử dụng báo cáo tài chính hiểu không đúng về tình hình hoạt động và khả năng sinh lời của đơn vị.
- Các lo ngại về tính thích hợp và tính đầy đủ của việc phê duyệt các nghiệp vụ bất thường của đơn vị.
Hướng dẫn đoạn 43 Chuẩn mực kiểm toán 240 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
- Trách nhiệm nghề nghiệp của kiểm toán viên về bảo mật thông tin của khách hàng có thể không cho phép kiểm toán viên báo cáo những gian lận cho các bên không phải là khách hàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, theo yêu cầu của pháp luật hoặc các quy định có liên quan, kiểm toán viên phải báo cáo về các gian lận với cơ quan quản lý và cơ quan pháp luật có liên quan.
- Tùy theo từng trường hợp cụ thể, kiểm toán viên có thể phải xin ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật để xác định sự cần thiết phải báo cáo về các gian lận với cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật có liên quan để đảm bảo các bước công việc cần thiết đối với lợi ích công chúng trước ảnh hưởng của các gian lận đã phát hiện.
Trong lĩnh vực công, tùy theo yêu cầu của pháp luật hoặc các quy định có liên quan, kiểm toán viên có thể phải báo cáo về việc đã phát hiện hay không phát hiện được gian lận nào trong quá trình kiểm toán.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm liên quan đến gian lận trong kiểm toán BCTC (Phần 23).