Việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty được thực hiện nhằm để tăng vốn, đặc biệt là một lượng lớn tiền mặt để phụ vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Hơn thế nữa, với những công ty có tình hình tài chính tốt thì việc phát hành cổ phiếu ra công chúng sẽ giúp giá thị trường của cổ phiếu tốt hơn, tạo tiền đề cho việc đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường . Vậy điều kiện và hồ sơ để chào báo cổ phiếu của cổ đông công ty đại chúng được quy định như thế nào?
Nguồn: Internet
1. Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng
Căn cứ vào Điều 13 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu của cổ đông công ty đại chúng như sau:
- Cổ phiếu được chào bán phải là cổ phiếu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019.
- Trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức, phương án chào bán cổ phiếu phải được cấp có thẩm quyền của tổ chức đăng ký chào bán thông qua theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của cổ đông đăng ký chào bán.
- Cổ phiếu được chào bán thuộc sở hữu của cổ đông đăng ký chào bán và là cổ phiếu tự do chuyển nhượng.
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là công ty chứng khoán.
- Cổ đông đăng ký chào bán phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
- Việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng có cổ phiếu được chào bán.
- Có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính về việc cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm trong trường hợp phải có sự chấp thuận theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
2. Hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng
Để chào bán được cổ phiếu ra công chúng thì phải chuẩn bị những hồ sơ bao gồm các giấy tờ được quy định tại Điều 14 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm:
- Giấy đăng ký chào bán (Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
- Bản cáo bạch (được quy định tại Điều 19 Luật Chứng khoán);
- Quyết định của cấp có thẩm quyền của cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức thông qua phương án chào bán, trong đó bao gồm: loại cổ phiếu chào bán; số lượng cổ phiếu chào bán; giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán hoặc ủy quyền xác định giá chào bán;
- Sổ đăng ký cổ đông hoặc giấy xác nhận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc của thành viên lưu ký hoặc giấy chứng nhận sở hữu cổ phần;
- Báo cáo tài chính trong 02 năm gần nhất của tổ chức có cổ phiếu được chào bán theo quy định của Luật Chứng khoán, trong đó trường hợp cổ đông đăng ký chào bán hoàn thiện hồ sơ sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, cổ đông đăng ký chào bán phải bổ sung báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán của tổ chức có cổ phiếu được chào bán;
- Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán, ngoại trừ trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là công ty chứng khoán;
- Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc cổ đông đăng ký chào bán mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán;
- Quyết định của cấp có thẩm quyền của cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức thông qua phương án đảm bảo việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng có cổ phiếu được chào bán;
- Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính về việc cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu (nếu có).
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 155/2020/NĐ-CP