Ngày 23/8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN, vậy Thông tư 10/2023/TT-NHNN có những điểm mới nào? Bao giờ có hiệu lực? – Anh Tuấn (Hà Nội).
>> Trình tự cấp GCN chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với ô tô nhập khẩu (Phần 2)
>> Trình tự cấp GCN chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với ô tô nhập khẩu (Phần 1)
Ngày 23/8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN về việc ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN).
Thông tư 10/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này.
Thông cáo báo chí về việc ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN |
Cập nhật điểm mới của Thông tư 10/2023/TT-NHNN
Theo Thông tư 10/2023/TT-NHNN, quy định về 3 nhu cầu vốn tổ chức tín dụng không được cho vay sẽ bị ngưng hiệu lực áp dụng từ ngày 01/9/2023 bao gồm:
- Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
- Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
- Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
+ Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
Căn cứ Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN(được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông tư 10/2023/TT-NHNN), các nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được cho vay áp dụng từ ngày 01/9/2023 bao gồm:
- Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
- Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
- Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
- Để mua vàng miếng.
- Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ.
+ Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
- Để gửi tiền.