Các trường hợp hủy thầu và thủ tục hủy thầu được pháp luật quy định như thế nào? Mời quý thành viên tham khảo bài viết sau đây:
>> Điều kiện, thủ tục phá sản doanh nghiệp
>> Lợi nhuận đối với công ty TNHH được chia như thế nào?
Nguồn: Internet
1. Hủy thầu là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định
2. Các trường hợp hủy thầu
Căn cứ Điều 17 Luật đấu thầu 2013, các trường hợp hủy thầu bao gồm:
- Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
- Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
- Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
3. Thủ tục hủy thầu
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thì trường hợp hủy thầu theo quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu 2013, tức là tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, thì trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định của pháp luật khi hủy thầu.
- Như vậy, khi hủy thầu thì chủ đầu tư cần thực hiện xác định nguyên nhân hủy thầu, sau đó người có thẩm quyền ra quyết định hủy thầu, chủ đầu tư thông báo tới các bên tham gia dự thầu và nêu rõ lý do hủy thầu theo quy định của pháp luật. Đồng thời chủ đầu tư cần thực hiện việc đăng tải thông tin về việc hủy thầu và nêu rõ lý do trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc ít nhất 1 kỳ đăng tải trên Báo đầu thầu theo quy định.
- Tóm lại, để thực hiện việc hủy thầu thì chủ đầu tư có thể thực hiện thông qua việc gửi thông báo hủy thầu đến tất cả các bên tham dự đấu thầu, trong đó nêu rõ lý do hủy thầu; sau đó thực hiện đăng tải thông tin thông báo hủy thầu nêu rõ lý do hủy thầu trên 03 số báo liên tiếp của một tờ báo, 03 tin liên tiếp trên một phương tiện thông tin đại chúng khác hoặc trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Trách nhiệm khi hủy thầu
Điều 18 Luật đấu thầu năm 2013 quy định trách nhiệm khi hủy thầu như sau:
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu trong trường hợp sau đây phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật:
- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
- Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Ngoài ra, trường hợp hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu giữ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi ban hành quyết định hủy thầu.
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 63/2014/NĐ-CP
Luật đấu thầu 2013
Nghị định số 25/2020/NĐ-CP