Có phải Chính phủ vừa ban hành danh mục các dự án, công trình thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC 2024 của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ không? – Vũ Ánh (Đắk Lắk).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 16/05/2024
>> Các cơ sở do UBND cấp xã quản lý về phòng cháy và chữa cháy năm 2024
Ngày 10/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, Nghị định 54/2020/NĐ-CP đã bổ sung Danh mục các dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC 2024 của Cục, Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo Phụ lục Va và Vb được ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP như sau:
Căn cứ Phụ lục Va Nghị định 50/2024/NĐ-CP, các dự án, công trình thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC 2024 của Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ bao gồm:
(i) Nhà có chiều cao trên 150 m.
(ii) Công trình xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự.
(iii) Dự án quan trọng quốc gia; Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Trụ sở Chính phủ, Trụ sở Trung ương Đảng; nhà làm việc của cơ quan công an cấp Trung ương.
(iv) Dự án không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư) có công trình thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trung tâm thương mại có tổng diện tích sàn trên 30.000 m2.
- Nhà cao từ 25 tầng trở lên: nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà của cơ sở bưu điện, cơ sở viễn thông, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu, cơ sở phát thanh, truyền hình.
- Cảng hàng không, công trình tàu điện ngầm.
- Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
- Nhà máy lọc dầu; nhà máy chế biến khí; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có tổng công suất trên 500.000 tấn sản phẩm/năm; kho xăng dầu có tổng dung tích chứa trên 100.000 m3; kho chứa khí hóa lỏng có tổng dung tích chứa trên 100.000 m3.
- Khu liên hợp gang thép có dung tích lò cao trên 1.000 m3; nhà máy in tiền; nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô có tổng sản lượng trên 10.000 xe/năm; nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy có tổng sản lượng trên 500.000 xe/năm; nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản, hóa chất nguy hiểm độc hại, hóa chất vô cơ, hữu cơ, hóa chất công nghiệp khác có tổng sản lượng từ 10.000 tấn/năm trở lên; nhà máy sản xuất, kho trạm chiết nạp sản phẩm hóa dầu có tổng sản lượng từ 50.000 tấn/năm trở lên; nhà máy sản xuất pin hóa học có tổng sản lượng trên 250 triệu viên/năm; nhà máy sản xuất, tái chế ắc quy có tổng sản lượng trên 300.000 KWh/năm; nhà máy sản xuất săm, lốp ô tô, máy kéo có tổng sản lượng trên 1 triệu chiếc/năm; nhà máy sản xuất sơn có tổng sản lượng trên 100.000 tấn/năm; nhà máy bột giấy và giấy có tổng sản lượng trên 100.000 tấn sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất thuốc lá có tổng sản lượng trên 200 triệu bao thuốc lá/năm; nhà máy sản xuất/lắp ráp điện tử (điện lạnh có tổng sản lượng trên 300.000 sản phẩm/năm; nhà máy chế tạo linh kiện, phụ tùng thông tin và điện tử có tổng sản lượng trên 400 triệu sản phẩm/năm).
- Công trình nhiệt điện có tổng công suất từ 600 MW trở lên; công trình thuỷ điện có tổng công suất trên 1.000 MW; công trình điện rác có tổng công suất trên 70 MW; trạm biến áp điện áp từ 500 kV trở lên.
- Công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của khu công nghiệp có diện tích từ 500 ha trở lên.
File Word Luật Phòng cháy và chữa cháy & các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ 15/5/2024 |
Các dự án, công trình thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC 2024 của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại Phụ lục Vb Nghị định 50/2024/NĐ-CP, các dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc thẩm quyền duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bao gồm:
(i) Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý trừ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự theo phân cấp.
(ii) Dự án, công trình xây dựng trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục V Nghị định 50/2024/NĐ-CP trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và các dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va Nghị định 50/2024/NĐ-CP.
(iii) Dự án, công trình trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục Va Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP.
Về việc quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được quy định cụ thể tại Điều 52 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 như sau:
(i) Phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải được quản lý, sử dụng để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy.
(ii) Phương tiện chữa cháy cơ giới, ngoài việc chữa cháy chỉ được sử dụng phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và trong các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ.