Người lao động làm việc 12 giờ/1ngày chỉ được tính lương 8 giờ/1 ngày?
Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
1.Về thời giờ làm việc là 12 giờ/1 ngày có đúng quy định pháp luật không? Quyền lợi của Người lao động trong trường hợp này?
1.1. Về thời giờ làm việc theo quy định pháp luật
Theo quy định tại khoản 1, Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày. Do đó, việc Công ty tổ chức cho cán bộ nhân viên làm việc 12 giờ/1 ngày là vượt quá thời gian làm việc bình thường của người lao động. Khoảng thời gian làm việc vượt quá thời gian làm việc bình thường trong vụ việc này là 4 giờ/1 ngày được gọi là thời gian làm thêm giờ. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 thì “số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày”. Do đó, Công ty quy định thời giờ làm việc là 12 giờ/1 ngày là đã bao gồm thời gian làm việc bình thường và thời gian người lao động làm thêm giờ, quy định này sẽ phù hợp với quy định pháp luật, nếu đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Được sự đồng ý của người lao động về việc làm thêm 4 giờ/1 ngày (điểm a, khoản 2, Điều 106, Bộ luật lao động năm 2012)
(2) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. (điểm a, khoản 3 Điều 4, Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013)
1.2. Về quyền lợi của người lao động
Trong trường hợp Công ty bạn đáp ứng được các điều kiện trên thì đối với khoảng thời gian làm thêm 4 giờ/1 ngày, Công ty bạn phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định tại Điều 97, Bộ luật lao động năm 2012, cụ thể:
(1) Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
(3) Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại mục 1 và mục 2 nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Như vậy, nếu người lao động đồng ý về việc làm thêm 4 giờ/1 ngày và đã được Công ty bố trí nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ thì quy định làm 12 giờ/1ngày của Công ty là phù hợp với quy định pháp luật và Công ty phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.
2.Việc người sử dụng lao động cho rằng 04 giờ/1 calà thời gian nghỉ ngơi tại chỗ nên không được trả lương và cũng không được nghỉ bù là đúng hay sai?
Như đã phân tích tại phần thứ nhất, Công ty quy định thời giờ làm việc là 12 giờ/1 ngày là đã bao gồm thời gian làm việc bình thường và thời gian người lao động làm thêm giờ, và người lao động được Công ty trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định tại Điều 97, Bộ luật lao động năm 2012.
Hơn nữa, nếu Công ty cho rằng việc người lao động làm thêm 4 giờ/1 ca là thời gian nghỉ ngơi tại chỗ thì trong trường hợp này, người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi về làm thêm giờ bởi theo quy định pháp luật việc nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc và pháp luật cũng chỉ quy định mức thời gian tối thiếu mà không quy định mức thời gian tối đa mà người lao động được nghỉ giữa giờ, cụ thể, Điều 108, Bộ luật lao động quy định:
“Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.”
Từ những căn cứ nêu trên, có thể khẳng định Công ty tổ chức cho người lao động làm việc 12 giờ/1 ngày nhưng chỉ chấm công và trả lương 8 giờ/1 ngày mà không được trả lương thêm giờ và cũng không được nghỉ bù sau mỗi đợt làm thêm là vi phạm pháp luật lao động. Công ty bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không trả lương làm thêm giờ cho người lao động theo khoản 3, Điều 13, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013; tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (Điều 14, Nghị định 95/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, Công ty bạn buộc phải trả đủ tiền lương cho người lao động, trả lãi đối với số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Trong trường hợp, Công ty không đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?