(PLO)-Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
Tôi đang thuê nhà trọ tại phường 25, qụân Bình Thạnh (TP.HCM). Trong hợp đồng thuê nhà ghi thời hạn thuê là 6 tháng, đặt cọc 2,6 triệu đồng, điều khoảng chung là "Nếu bên A (chủ nhà trọ) lấy lại phòng thì phải báo trước cho bên B (thuê trọ) trước một tháng và ngược lại". Khi tôi báo trả phòng như điều khoản trên thì chủ nhà trọ không chấp nhận, họ nói tôi phải ở đến khi hết hạn hợp đồng. Nếu chuyển đi, tôi sẽ bị mất tiền cọc. Giờ tôi phải làm sao lấy lại tiền cọc?
Nhi Trần (trannhiqt66@gmail.com)
Hợp đồng thuê nhà ở là một trong các loại hợp đồng dân sự. Theo Điều 4 Bộ luật Dân sự thì các bên được quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào. Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.
Như vậy, nếu một bên trong hợp đồng vi phạm (chủ nhà trọ) thì bạn có quyền khởi kiện họ ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp này bạn nên thương lượng với chủ nhà trọ được là tốt nhất, hoặc bạn cũng có thể làm đơn tới UBND phường để nhờ Ủy ban xem xét, hòa giải.