Khi nào thì bị coi là phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?
Luật gia Trần Thị Thanh Tình - Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy, công nhiên chiếm đoạt tài sản (bị coi là phạm tội) là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình hoặc của một nhóm người hoặc cho người khác mà mình quan tâm bằng thủ đoạn lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản hoặc ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có các đặc điểm sau:
(i): Hành vi chiếm đoạt tài sản được thực hiện trong điều kiện chủ tài sản do hoàn cảnh khách quan đã không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
(ii): Công khai hành vi chiếm đoạt tài sản: Người phạm tội không có ý thức che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản đối với người có tài sản và những người khác. Do việc chủ tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản hoặc ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản nên người phạm tội không cần phải che dấu hành vi chiếm đoạt tài sản và đối phó với chủ tài sản. Vì vậy, công khai chiếm đoạt tài sản là đặc điểm phản ánh bản chất thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự, bởi hành vi này đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác.
Người phạm tội phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi từ đủ 16 trở lên. Trường hợp phạm tội thuộc khoản 3,4 Điều này thì có độ tuổi từ đủ 14 trở lên. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, dù đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt là bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc trường hợp hành hung để tẩu thoát; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?