Điều kiện hưởng bệnh nghề nghiệp và nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2016?

Theo thư hỏi của ông Đoàn Hữu Tr, Công ty than ...., có địa chỉ nhà riêng tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: 1, Ông có thời gian công tác hơn 10 năm làm cơ điện lò (từ năm 1979 đến năm 1989) và trên 22 năm là Trưởng phòng Cơ điện mỏ. Năm 2012 ông được đưa đi giám định Bệnh Bụi phổi Silic tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh Quảng Ninh kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 31%, nhưng Bảo hiểm xã hội trả lại hồ sơ, không xét duyệt với lý do là: vị trí việc làm không có trong kết quả đo môi trường lao động, là cán bộ quản lý phòng ban chuyên môn nhưng hồ sơ BNN tại vị trí đường lò vận chuyển giếng chính là không hợp lý…Việc giải quyết trên đúng sai như thế nào ? 2, Ông sinh năm 1958, thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi 60. Nghe nói năm 2016 Luật BHXH mới có hiệu lực, có nhiều thay đổi về cách tính lương hưu. Ông muốn nghỉ hưu vào năm 2016, thì cách tính lương hưu như thế nào ?

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh trả lời như sau:

Thứ nhất: Về việc giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

Căn cứ Điều 40, Luật BHXH năm 2006, quy định điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. 

Căn cứ Thông tư liên bộ số 08-TTLB, ngày 19/5/1976 của Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế và Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) quy định một số bệnh nghề nghiệp về chế độ đãi ngộ công nhân viên chức nhà nước mắc bệnh nghề nghiệp.

Tại mục I Thông tư liên bộ, quy định đối tượng áp dụng: Công nhân viên chức Nhà nước thuộc diện thi hành Điều lệ bảo hiểm xã hội kể cả trường hợp công nhân viên chức đã chuyển nghề khác, hoặc đã thôi việc mà còn trong "thời gian bảo đảm" được phát hiện và xác định mắc bệnh nghề nghiệp đã quy định tại Thông tư này đều là đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về bệnh nghề nghiệp.

Tại Phụ lục kèm theo Thông tư liên bộ số 08-TTLB có quy định: Thời gian bảo đảm là thời gian được quy định đối với mỗi nghề nghiệp kể từ khi công nhân viên chức đã thôi tiếp xúc với yếu tố độc hại mà còn khả năng phát bệnh để đảm bảo cho đương sự được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về bệnh nghề nghiệp. Theo đó: Thời gian bảo đảm đối với bệnh nhiễm bụi phổi Silic (Silicose) là 05 năm.

Căn cứ khoản 6, mục IV, Thông tư liên bộ: Công nhân viên chức sau khi đã thôi tiếp xúc với yếu tố tác hại (chuyển việc khác, thôi việc, hoặc về theo chế độ mất sức lao động, chế độ hưu trí) nếu còn trong thời gian bảo đảm đã quy định mà phát hiện bệnh nghề nghiệp do nghề cũ gây nên, thì được hưởng chế độ khám, chữa bệnh và được hưởng trợ cấp mất sức lao động về bệnh nghề nghiệp nếu có như khi còn đang làm việc cũ

Như vậy, việc NLĐ đã chuyển công việc khác, sau khi đã thôi tiếp xúc với yếu tố tác hại, mới phát hiện bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên vẫn thuộc trường hợp được giải quyết bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, do ông không nói rõ thời gian ông thôi tiếp xúc với yếu tố độc hại là bao nhiêu lâu, nên không có đủ căn cứ để tư vấn cụ thể được, ông cần đối chiếu với các quy định nêu trên để xác định bảo vệ quyền lợi của mình và đề nghị công ty giúp đỡ có các văn bản giải trình xác nhận bảo đảm quyền lợi của ông theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2016

Hiện tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Theo ông hỏi, ông sinh năm 1958, thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi 60. Nhưng ông muốn nghỉ hưu vào năm 2016 thì cách tính lương hưu như thế nào?

Trước hết người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

Căn cứ khoản 1, Điều 55, Luật BHXH 2014:

1. Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong cáctrường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Căn cứ Điều 56, Luật BHXH 2014, quy định Mức lương hưu hằng tháng:

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

4. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.

5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.

Ông cần tham khảo thêm Luật BHXH năm 2014 để tra cứu cho đầy đủ.

 

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh – Điện thoại 0333.829961

Đỗ Văn Khánh

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
271 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào