Cho vay lãi suất bao nhiêu là phạm tội và phải đi tù?
Quan hệ hợp đồng vay tài sản (tiền) đã được Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định về lãi suất như sau:
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm. Do đó, nếu theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 thì chỉ có thể áp dụng mức lãi suất cao nhất đối với khoản tiền bạn vay là: 9%/năm x 150% = 13,5%/năm.
Trong trường hợp của bạn, bạn vay tiền của người khác 40 triệu đồng, trong giấy vay tiền chỉ ghi là lãi suất theo thỏa thuận chứ không ghi bao nhiêu %. Và thực tế, lãi suất được tính là 7.000đ/triệu/ngày, tính tổng tất cả là 280 ngàn đồng/ngày. Tức là lãi suất 0,7%/ngày, do đó lãi suất 1 năm là: 0,7 (%) x 365 (ngày) = 255,5 %/năm.
Việc thỏa thuận mức lãi suất 255,5%/năm đã vượt quá 13,5%/năm nên trước hết là vi phạm pháp luật dân sự về việc áp dụng lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự nói trên. Khi có tranh chấp xảy ra, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, nếu bạn và người cho bạn vay không thống nhất với nhau được về mức lãi suất, bạn có thể khởi kiện ra Tòa dân sự.
Bên cạnh đó, pháp luật hình sự quy định Tội cho vay nặng lãi được quy định như sau:
Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Theo quy định của điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn đồng thời hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên. Mức lãi suất 255,5%/năm bạn phải thỏa thuận khi vay đã cao hơn 18,9 lần so với mức lãi suất cao nhất được pháp luật cho phép là 13,5%/năm.
Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột, tính chất này được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng có thể được thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?