"Khủng bố" tinh thần qua tin nhắn điện thoại, đáng tội gì?

"Khủng bố" tinh thần qua tin nhắn điện thoại, đáng tội gì?

Sau những vụ tra tấn tinh thần nhau, nhiều nạn nhân rơi vào trạng thái suy sụp, khủng hoảng tinh thần trong thời gian dài. Nhiều người đã cho rằng, những quái chiêu tra tấn người khác như nói trên chính là “biến tướng” của hành vi đe dọa giết người. Do vậy, đối tượng gây ra sự việc cần phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Có điều, đối chiếu với những quy định của pháp luật thì chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về hành vi này. Chính vì vậy, ngay cả trong trường hợp có thể khoanh vùng xác định được đối tượng thì việc xử lý hành vi của đối tượng là rất khó khăn

Khủng bố tinh thần người khác bằng mọi hình thức có thể được xem là một loại tội phạm. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra chế tài xử lý. Bởi trên thực tế thời gian gần đây, những hình thức “dằn mặt” nói trên đang có xu hướng xuất hiện ngày càng gia tăng, nhưng việc xử lý hình sự vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhau, do vậy, rất ít vụ việc bị xét xử về mặt hình sự...

Theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” có thể bị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, việc: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.00 đồng.

"Khủng bố" tinh thần qua tin nhắn điện thoại, đáng tội gì?

Nếu người nhắn tin vu khống có hành vi xúc phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội phạm này thể hiện ở các hành vi xâm phạm nghiêm trọng các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Hình thức biểu hiện của hành vi gây rối rất khác nhau: lăng mạ bằng lời nói hoặc bằng hành vi hành hung, đánh người, đập phá đồ đạc hoặc huỷ hoại tài sản, gây lộn xộn ở nơi công cộng...

Khi phải đối mặt với những tình huống này, bên bị đe dọa có thể khởi kiện đến cơ quan chức năng đòi bồi thường những tổn hại về mặt tinh thần do bên đe dọa gây ra, nếu chứng minh được hành vi của các đối tượng đe dọa ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống của mình.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, căn cứ vào dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng tội “Gây rối trật tự công cộng” để xử lý.

Trong những hình thức khủng bố tinh thần đối phương, chỉ có hành vi nhắn tin đe doạ, khủng bố có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào có hành vi đe dọa tước đoạt tính mạng của người khác, có thể trực tiếp hoặc bằng tin nhắn qua điện thoại, thư từ, qua trung gian... làm cho người bị đe dọa lo sợ việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì phạm tội “đe dọa giết người”. Khung hình phạt thấp nhất cho tội này là cải tạo không giam giữ, cao nhất là 7 năm tù.

Nếu ngoài tin nhắn họ còn có những động thái chuẩn bị hung khí, phương tiện phạm tội, thuê người... thì có thể truy tố về tội “giết người” ... ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt.

Trường hợp nội dung tin nhắn là nói xấu, bêu riếu người khác, tung tin đồn thất thiệt, loan truyền những tin bịa đặt xúc phạm danh dự, gây thiệt hại đến quyền lợi người khác, tùy trường hợp có thể xử lý người đó về tội “làm nhục người khác” hay “vu khống”.

Trong trường hợp này, để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, người bị “khủng bố” cần lưu lại các tin nhắn có nội dung vu khống, bôi nhọ thanh danh để làm chứng cứ. Sau đó, báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) địa phương để yêu cầu giải quyết. 

Theo đó, doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại cần theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối. Nếu chủ thuê báo quấy rối cố tình vi phạm, doanh nghiệp đó ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời báo cáo kết quả cho Sở TT&TT địa phương của người khiếu nại, người quấy rối để xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời bạn cũng có thể báo cáo sự việc lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý vi phạm hành chính hoặc báo cho Cơ quan điều tra để cơ quan này xem xét, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
836 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào